Saturday, April 17, 2021

Một mảnh đời

                                                                      Một mảnh đời


Tác giả: Minh Hạnh

Dưới ánh nắng gay gắt của tháng Bảy, khí hậu miền nam nước Mỹ gần ven biển hơi nước nằm trong cái nóng oi bức làm tôi không dám bước ra khỏi cửa, suốt ngày giam mình trong căn nhà, loang quanh hết nhà bếp lại vào phòng computer.

Tiếng chuông cửa reo lên, nhìn qua khung kính cửa sổ tôi thấy thấp thoáng dáng người giao hàng.

Người giao hàng lễ phép chào tôi khi cánh cửa mở ra:

-  "Chào bà, tôi có trách nhiệm giao một món hàng đến căn nhà đối diện bên kia nhà bà. Tôi đã bấm chuông cửa nhà đó nhưng không ai ra mở cửa và tôi đã thấy có một người đàn ông trẻ nằm dưới đất trên mình không mặc quần áo gì hết, anh ta chỉ ngó tôi mà không nói gì. Tôi cố gắng nói thật to cho anh ta nghe mà ngồi dậy mở cửa để nhận hàng. Anh ta vẫn không trả lời. Tôi đành để món hàng ngay trước cửa và lái xe đi. Nhưng chỉ đi một quãng tôi đã suy nghĩ về hiện trạng kỳ lạ của người đàn ông trẻ đó. Có một chuyện gì đó khác thường. Nên tôi đã quay xe trở lại và ghé vào đây để hỏi bà có biết gia đình đối diện với nhà bà không? Và tôi có thể giúp gì cho người đàn ông trẻ đó không?"

Tôi lịch sự trả lời:

-  "Chào ông. Tôi biết một chút về gia đình người hàng xóm này. Người thanh niên mà ông nhìn thấy trong căn nhà đó là một người tàn tật bẩm sinh, anh ta không nói được và không cử động được. Nhưng thông thường thì luôn luôn có người cha ở nhà săn sóc, có lẽ ông ta mới ra ngoài để mua ít đồ dùng chăng?"

- "Tôi có thể vào nhà để giúp gì cho anh ta được không?"

- "Chắc không cần đâu, có lẽ người cha sắp trở về rồi."

Người giao hàng nói lời cám ơn từ giả tôi và lái xe đi làm nhiệm vụ giao hàng kế tiếp của mình để lại cho tôi niềm ưu tư khắc khoải âm ỉ đốt cháy tâm tôi về kiếp sống trầm luân của con người.

Nhà tôi nằm trong một cư xá rất thanh tịnh, thành phần các gia đình ở trong cư xá này phần lớn làm việc cho trường đại học Louisiana State University. Từ nhà chỉ 5 phút lái xe đã tới khuôn viên của trường đại học. Ngày đầu tiên khi mới dọn nhà đến người hàng xóm đối diện đã qua chào hỏi chúng tôi. Ông ta giới thiệu là một tiến sĩ hóa học, dạy học tại trường đại học này, nhưng nay đã phải nghỉ làm từ khi đứa con trai đầu lòng được sinh ra, vì nó bị tật bẩm sinh. Chỉ còn bà vợ là bác sĩ đi làm mà thôi. Ông còn một đứa con trai thứ nhì được sinh ra bình thường. Chúng tôi trao đổi lời xã giao.

Sau đó, tôi đã gặp người thanh niên này khi ra hộp thư trước nhà để lấy thư. Cậu thanh niên tàn tật đó độ chừng 25 tuổi, ngồi trên chiếc xe lăn, tiến về phía tôi, tôi lên tiếng chào nhưng anh ta chỉ cười và cái đầu lắc qua lắc lại. Tôi đã thật sự xúc động không nói thêm được gì khi gặp anh ta lần đầu đó. Người thanh niên ngồi trên chiếc xe lăn và chiếc xe điều khiển bằng một cái máy đặt nơi cái cần dựa phía sau đầu của cậu ta. Muốn xe chạy phía trái hay phía phải thì đầu của cậu phải xoay về phía đó. Toàn thân và tay chân cậu được ràng chắc vào cái ghế của chiếc xe lăn bằng những sợi dây nịt màu đen. Anh ta nhoẻn miệng cười và nhìn tôi, còn cái đầu thì cứ lắc qua lắc lại không ngừng. Tôi ráng nén sự xúc động để tìm hiểu xem ý của cậu muốn gì. Tôi chợt nhìn thấy trên đùi của cậu được người ta dán một miếng giấy viết những giòng chữ, tôi tiến lại thật gần để đọc và đó là một tờ giấy được đánh máy cho biết ý muốn của cậu là cậu đang bán những bức tranh để gây qũy cho những người tàn tật.

Tôi đã mua một bức tranh với giá 15 dollars. Cầm bức tranh trên tay đi vào nhà. Mặc dầu cậu đã rời khỏi sân nhà tôi, nhưng khuôn mặt, nụ cười và ánh mắt của cậu đã ám ảnh tôi không ngớt. Người thanh niên có khuôn mặt của người Tây Phương, nụ cười với hàm răng trắng muốt, và cặp mắt to đen láy. Nhưng trong ánh mắt của cậu thì rực lên tia lửa của sự hận đời. Người ta nói "ánh mắt là cửa sổ tâm hồn." Thật là đúng. Tôi đã giật mình khi nhìn thấy ánh mắt của cậu, dường như muốn nói lên sự hận gì đó trong một tiền kiếp mà cậu mang theo qua kiếp này, hay là sự hận vì tại sao lại sanh cậu ra trong một thân thể tàn phế, và phải sống trong một kiếp khốn khổ như thế này. Tôi đã quá xúc động. Tôi đã khóc cho cậu, cho một mảnh đời khổ nạn.

Tôi nhớ lời Thầy tôi trong một đoạn Thầy giảng : "Nghiệp không thiên vị người nào; nó chỉ đơn giản là một vấn đề của những hành động và kết quả. Hành động cho kết quả và con người trải qua trong hiện tại hạnh phúc và khổ đau là quả kết hợp của những hành động quá khứ và hiện tại."

Lời giảng đó và hình ảnh người thanh niên tàn tật lại là một công án tràn ngập trong tâm tôi. Và tôi đã biết tại sao trong tôi luôn luôn có một nỗi buồn da diết, một nỗi buồn không tên. "Đó là nỗi buồn thương cho kiếp sống trầm luân mà con người sanh ra phải gánh chịu nghiệp quả của mình."

No comments:

Post a Comment