Wednesday, March 15, 2023

Câu chuyện buồn

 Câu chuyện buồn.

Minh Hạnh, Baton Rouge ngày 15 tháng 3, 2023

Chị tốt nghiệp trường Điều Dưỡng Cơ Đốc, một bệnh viện Cơ Đốc tọa lạc tại ngã tư Phú Nhuận, chị là một người bạn mà tôi kính trọng như một người chị, nên tôi gọi là "Chị tôi". Chồng chị là bác sĩ quân y VNCH.

Tôi gặp chị trong một buổi họp mặt của một nhóm bạn thân trong thành phố vào một buổi tối cuối tuần của tháng Tư năm 1985. Có lẻ, do mãnh lực duyên quá khứ nên khi chúng tôi vừa gặp nhau đã trở nên thân thiết và chúng tôi kết nghĩa chị em, chị lớn hơn tôi 3 tuổi. Chị rất đẹp, lời nói dịu dàng như vuốt ve an ủi người đối diện.

Chị kể tôi nghe về cuộc đời của chị.

Anh chị cùng 4 người con vượt biên đến Mỹ năm 1980, khi ở Việt Nam anh đã là bác sĩ trong quân đội VNCH, do đó, thời gian đầu ở Mỹ anh phải học và training  để thi lấy bằng hành nghề bác sĩ , trong thời gian anh đi học chị đã phải bương chải làm việc vất vả để nuôi con và giúp anh ổn định trong việc học. Sau những năm thực tập thì anh tốt nghiệp và được bổ nhiệm làm việc tại nhà thương chính phủ của tiểu bang.

Và từ lần gặp mặt đầu tiên, hai gia đình chúng tôi trở lên thân thiết, chúng tôi xem nhau như chị em, thường xuyên qua lại giúp đỡ nhau những khi cần thiết. 

Đến năm 1990 chương trình tị nạn cho những tù nhân cộng sản được qua Mỹ định cư thì trong số đó có gia đình các em của chị cũng qua Mỹ, vợ chồng tôi và anh chị cùng nhau đến thăm hỏi và giúp đỡ những người mới qua, những ai bịnh anh thường giúp đỡ cố vấn và cho thuốc để chữa bệnh.

Gia đình các em của chị cũng thuộc phương diện HO, được qua Mỹ và ở trong cùng thành phố, gần nhà chị để tới lui quây quần bên nhau  rất là hạnh phúc. Vì là chị lớn trong gia đình  và, qua Mỹ trước nên cuộc sống của anh chị khá giả, do đó, anh chị luôn lo tròn trách nhiệm giúp đỡ những người em của mình qua sau có cuộc sống về tài chánh hạn hẹp.

Năm 2005 anh phát hiện bị ung thư gan, chị vô cùng lo lắng, ai chỉ thuốc gì, cây lá gì uống trị được bệnh ung thư, chị đều kiếm mua hoặc xin về sắc cho anh uống, anh cầm cự được 5 năm thì mất. Từ ngày anh mất chị lại tảo tần mở tiệm ăn  để nuôi đàn con 4 đứa học thành tài và giúp những người em đang sống trong cảnh thiếu thốn, đôi vai đã nặng trĩu gánh 4 đứa con giờ lại thêm gia đình mấy người em nên hai vai chị càng nặng hơn.

Thời gian trôi qua 10 năm sau ngày anh mất, giờ các con đã lớn và trưởng thành, 4 đứa con đã lập gia đình và ở những thành phố của các tiểu bang rất xa nơi chị ở, và chị chọn ở lại sống một mình trong căn nhà rộng thênh thang ở thành phố vì là nơi có ngôi mộ của anh được chôn cất nơi đây, chị muốn ở lại đây để tiện việc săn sóc mộ anh, cũng may tuy các con ở xa nhưng gia đình các em chị vẫn ở quây quần trong thành phố này, chị em sống mỗi người một nhà nhưng họ vẫn quấn quít bên nhau mỗi khi cần sự giúp đỡ.

Giờ chị đã khá lớn tuổi nhưng vẫn còn rất đẹp tuy tóc đã nhuộm muối tiêu, sức khỏe chị khá ổn định, ít bị ốm vặt, do vậy chị sống rất tự tin, vui vẻ và yêu đời. Chị thường theo các em đến chùa làm công quả, gần như là một người leader của nhóm làm công quả bếp núc cho chùa, một tay xốc vác tất cả mọi chuyện, việc gì có chị nhúng tay vào thì hầu như được hoàn tất rất mỹ mãn. Cuộc đời của chị bây giờ có thể nói ông trời đã đãi ngộ chị rất nhiều, tuy anh mất sớm, nhưng cuộc sống của chị giờ sống trong giàu sang sung sướng vì các con đã trưởng thành, chúng chu cấp cho chị đầy đủ, chị không lo thiếu thốn như ngày anh còn đi học và các con thì còn nhỏ.

Nhưng tạo hóa đã tạo ra, mỗi  một ngưởi, mỗi một sinh linh đều có nghiệp riêng của mình mang theo từ những kiếp quá khứ. Và theo định lý Vô Thường, có sinh thì có bệnh, có tử, có chết. Và chuyện đó đã đến với chị một cách bất ngờ, những người thân, những người quen biết chị, trong đó có vợ chồng tôi, đã vô cùng xửng sốt khi nghe tin chị chết, không một ai ngờ, có người mới nói chuyện điện thoại với chị ngày hôm trước hôm sau đã nghe tin chị chết.

Vợ chồng chúng tôi nghe tin chị chết và biết được chuyện gì đã xảy ra khi chị chết, chúng tôi bàng hoàng và tiếc cho chị mà đáng lý có thể tránh được.

Đó là, vào mùa đông có nhiều bệnh cảm cúm lây lan. Căn bệnh cúm đã dính vào người chị cùng với một người em gái. Chị thì khỏe mạnh nên bệnh của chị triệu chứng nhẹ hơn người em. Hai chị em cùng nhau đi gặp bác sĩ, nhưng chỉ một mình chị vào gặp bác sĩ để khai bệnh, còn người em thì ngồi ngoài xe chờ. Ông bác sĩ sau khi khám bệnh cho chị đã kê toa thuốc kháng sinh Tamiflu để diệt trừ bệnh cúm.

Rời phòng bác sĩ, hai chị em đến tiệm thuốc tây mua thuốc theo toa bác sĩ đã kê, rồi chị chia số thuốc kháng sinh đó làm hai, số thuốc được bác sĩ kê toa khoảng 7 viên uống trong vòng 7 ngày thì hết bệnh, chị một nửa và người em một nửa.

Về đến nhà, chị để nửa số thuốc kháng sinh đó ở bàn ăn, và không uống viên nào. Còn người em về nhà mình thì uống mấy viên thuốc chị đã đưa trong 2 ngày thì cơn bệnh giảm đi nhiều. Mọi người thân thấy chị có đi bác sĩ thì yên trí chị sẽ khỏi bệnh, nhưng thật không ai ngờ là chị không uống viên thuốc nào, nên cơn bệnh trở nặng và hai ngày sau khi  đi bác sĩ chị đã qua đời lặng lẽ  trong căn nhà  sống một  mình mà không  ai hay biết.

Chị đã quá tự tin vào sức khỏe của mình, đã trải qua nhiều lần bị cảm cúm đều qua khỏi mà không cần uống thuốc, cho nên lần này chị cũng nghĩ mình sẽ qua khỏi và không cần uống thuốc, mà để dành thuốc đó cho người em gái của chị.

Một điều làm tôi xót xa, chị là một y tá, một nữ điều dưỡng, và chồng chị đã từng là bác sĩ chữa bệnh biết bao nhiêu người mà chị lại không hiểu về thuốc men và các căn bệnh, chị đã coi thường và nghĩ rằng mình sẽ không bị cơn bệnh quật ngã, mà không cần uống thuốc.

Phải chăng, đó là cái nghiệp buộc chị phải ra đi như thế, trong khi kiến thức về chuyên môn của Tây học chị đã học và thực nghiệm khi còn làm nữ điều dưỡng sao chị lại không theo, để rồi phải ra đi bất ngờ` trong lặng lẽ  mà đối với  một người có kiến thức như chị thì khó có  thể nào xảy ra. Đó là điều làm tôi vô cùng tiếc thương cho chị, một người chị mà tôi luôn kính trọng. 

Mong rằng hương hồn chị được về  yên nghỉ bên anh!


Tuesday, January 3, 2023

Buồn vui khi làm trang web cho chùa.

                                    Buồn vui khi làm trang web cho chùa.

Minh Hạnh, Baton Rouge, ngày 3 tháng Giêng, 2023

Kỹ thuật khoa học ngày nay tiến bộ vượt trội khiến con người có nhiều thời gian rảnh rỗi, tục ngữ có câu "Nhàn cư vi bất thiện". Cho nên để tránh nhàn rỗi sanh ra bất thiện tôi đã dùng những thời gian rảnh rỗi đọc kinh sách và viết bài.

Khi tôi còn là auditer (thanh tra kế toán) cho chánh phủ với nhiệm vụ kiểm soát sổ sách các công tỳ đào dầu khí (oil & gas) của tiểu bang. Một ngày làm việc từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, nghỉ nửa giờ ăn trưa,  tính ra  8 tiếng làm việc, nhưng  mỗi ngày tôi chỉ làm khỏan 3 tới 4 tiếng là hết việc, những bạn làm chung cũng vậy, ai có việc nấy, họ cũng chỉ làm 4 tiếng là hết việc rồi họ qua phòng làm việc của  người này hoặc phòng làm việc của người kia ngồi tán gẫu với nhau, đôi khi họ cũng kéo nhau vào phòng tôi tán gẫu, nhưng riêng tôi lại không thích vì họ là dân bổn xứ phong tụng tập quán xa lạ đối với tôi, những câu chuyện của họ khó để mà thích thú,  nên tôi mang vào sở những quyển kinh sách để đọc mỗi khi có thời gian rảnh. 

Hai vợ chồng tôi đều làm việc cho chính phủ, cùng hổ trợ nhau để nuôi dạy 4 đứa con nên người. Tuy lương công chức không cao bằng làm tư nhân nhưng nhàn hạ vì không bon chen, không tranh dành  lấy lòng xếp lớn để giữ job.

Sau 30 năm làm việc tôi xin về hưu, ngoài những giờ làm công việc nhà nấu ăn, có chút thì giờ rảnh tôi nghiên cứu kinh điển, tu tập thiền định, sau đó tôi viết văn.

Tôi cũng xin được viết bài cho một trang web Phật giáo, lúc đó tôi không biết làm trang web nên còn phải lệ thuộc vào một cô Phật tử trẻ tuổi phụ trách việc làm web của ngôi chùa đó, nếu cô thích thì cô đăng bài, còn hôm nào cô ể mình thì cô bỏ không đăng bài tôi viết. Đôi khi cô còn thử tôi bằng cách yêu cầu tôi viết HTML (HTML viết tắt của Hypertext Markup Language là ngôn ngữ lập trình dùng để cấu trúc các thành phần có trong một trang web). Tôi đã trả lời rằng, tôi không biết viết vì tôi chưa có bao giờ học về các lập trình đó.

Tôi không bận tâm về chuyện cô làm khó dễ tôi,  mà vẫn cứ miệt mài viết những gì mình học được từ các vị giảng sư, vì viết đối với tôi  là một niềm đam mê,  tôi không bao giờ coi việc viết văn là một gánh nặng trong cuộc sống của mình, mà chính là, trước để tôi học hỏi, sau  để truyền tải những Giáo Pháp của Đức Phật tôi đã được nghe viết thành văn bản rồi đưa lên trang web của chùa để các Phật tử hoặc những ai muốn tìm hiều về Giáo Pháp của Đức Phật để tu tập.

Ít lâu sau cô Phật tử làm web cho chùa nghỉ không làm nữa, Thầy trụ trì giao trang web của chùa cho tôi làm. 

Thầy nói: Bây giờ cô có thể viết và đưa lên trang web thoải mái không phải lệ thuộc vào ai nữa."

Từ đó, tôi bắt đầu vừa làm vừa học hỏi cách làm trang web. Tôi và ông xã đã đầu tư tiền bạc vào rất nhiều, từ việc trả tiền hàng tháng cho máy chủ (Server là một máy chủ được kết nối với Internet,) để làm web, cho đến việc trả tiền cho người giỏi về kỹ thuật làm web mỗi khi cần viết một lập trình mới. Người này sống ở Việt Nam là một giảng viên giảng dạy cách làm web, ông ta đã giúp đỡ tôi rất nhiều. 

Chúng tôi chủ trương không kêu gọi sự đóng góp tịnh tài của bất cứ ai, mà tự mình hổ trợ lấy mình.

Tôi vui mừng vì nghĩ rằng từ đây về sau tôi được tự mình đưa bài viết vào trang web mà không bị trì trệ bởi sự thương hay ghét của người chủ biên. 

Từ đó, tâm tôi thanh thản viết bài với sự chân thành, sự kiên nhẫn và niềm tịnh tín đối với Phật Pháp. 

Chủ quan tin rằng sẽ không còn bị áp lực khi viết bài. Nhưng, tôi đã quá chủ quan. Vì khi làm trang web cho một ngôi chùa nào đó, không phải sẽ không có áp lực nào đè nặng lên tâm mình nữa. Thật ra, phía trên vẫn còn vị trụ trì, vị thầy chủ của ngôi chùa, nghĩa là, tự tôi phải có trách nhiệm với ngôi chùa đó.  Tôi không được viết bài của bất cứ vị thầy nào khác. Điều này đã làm tôi không thoải mái. Tôi luôn luôn muốn được tự do bay nhảy như con chim có thể tự bay đến bất cứ nơi nào nó muốn bằng chính đôi cánh của mình mà không cần lực đẩy hay bị cản trở do lực trì kéo của những con chim khác, hay của con người điều khiển nó. Con cá phải được tự do tung tăng bơi lội thì mới thành công được.

Do đó, suốt thời gian làm trang web cho chùa, tôi xin thưa rằng: hoàn toàn tâm tôi không được thanh thản, và luôn luôn có cảm tưởng một áp lực nào đó đang theo dõi, đang đe dọa sẽ bị người chủ chùa lấy lại trang web bất cứ lúc nào.

Nên với tâm tư không thoải mái đó dù tôi đã cố gắng hết sức mình và với sự đam mê tìm học cũng như đam mê viết lách, nhưng tôi vẫn không tìm được sự thanh thản trong lòng.

Tôi xin trích một đoạn trong câu chuyện tôi đã viết trong thời gian làm trang web Chùa, chuyện "Cây Xoài".

Ngày xưa khi Đức Bồ Tát là một vị vua. Một hôm Ngài đi ra khỏi bờ thành, trên đường Ngài nhìn thấy trên cây xoài có rất nhiều trái, gần đến độ chín. Một cây xoài tốt như vậy, tươi như vậy, ngon lành như vậy, nhưng Ngài chỉ nhìn rồi tiếp tục đi. Chiều hôm đó Ngài trở về Hoàng cung, khi đi ngang cây xoài, lúc bấy giờ Ngài nhìn thấy cây xoài đó xơ xác hết, không còn được nguyên trạng như lúc sáng. Lúc bấy giờ Ngài hiểu rằng có một nhóm người đi ngang đây nhìn thấy cây xoài và bởi vì cây xoài có trái ngon nên họ đã bẻ và phá hại cây xoài. Ý nghĩ khởi lên đầu óc của Ngài, Ngài nói rằng, “Ở đâu có danh và ở đó có lợi thì ở đó có lòng tham, ở đâu có mật ở đó có ruồi, ở đâu có lòng tham thì ở đó có phiền não, và người nào có những thứ đó giống như cây xoài có trái vậy, sẽ gặp muôn vàn bất hạnh”. Ngài trở về và quyết định trở thành đạo sĩ.

 Minh Hạnh xin viết lên câu chuyện của chính mình làm trang web, được ví như cây xoài là hình ảnh cho muôn vàn bất hạnh của những ai có những thứ giống như cây xoài xanh tươi tốt đẹp, có nhiều trái chín ngon và thơm.  

Rồi một ngày chuyện tôi lo sợ đã  đến: Khi trang web Chùa tôi làm từ một trang web nội dung không có chất lượng đã trở thành một trang web rất nhiều bài vở kinh sách với nội dung phong phú thì thầy trụ trì giao  nhiệm vụ làm web Chùa cho một vị tu sĩ ở bên Việt Nam.

 Vẫn biết rằng một ngôi chùa có thể làm một lúc 2, 3 trang web khác nhau, và câu nói: "Nước sông không phạm nước giếng" là câu nói quen thuộc trong cuộc sống thường ngày, để chỉ việc mỗi cá nhân, tổ chức cần làm đúng phận sự, không nên chen vào việc của người khác. Nhưng ở đây, rõ ràng trang web Chùa tôi đang làm bị xóa khỏi lớp dạy Phật Pháp trên paltalk, và ngay cả logo của Chùa trang web tôi làm cũng bị thay thế bằng trang web mới do vị tu sĩ bên Việt Nam làm.

Khi tôi biết được điều đó, tôi hụt hẫng, với bao tâm huyết, thời gian và tiền bạc chúng tôi đã đầu tư vào, cũng mất 20 năm không quá ngắn đối với một đời người, nhưng đối với tôi thì 20 năm đó là quá dài, những sự cố gắng, những nhiệt huyết với tất cả tâm tư, với niềm tịnh tín, và thầy đã không cảm nhận các giá trị tôi đã đóng góp. 

Thầy đã nói với tôi là vị tu sĩ này rất giỏi kỹ thuật làm trang web. Tôi vui vì thấy thầy đã kiếm được người giỏi về kỹ thuật làm web. Trong khi tôi, cho đến tận bây giờ vẫn chưa biết viết một cái lập trình nào (HTML) mà mỗi lần phải viết lập trình tôi đều phải nhờ vị giáo sư dạy làm trang web viết và tôi trả tiền cho vị giáo sư đó. 

Tôi chỉ biết dịch kinh từ tiếng Anh sang tiếng Việt, hoặc chuyển thành văn bản các bài giảng, hoặc viết văn rồi đưa bài vào trang web, và đó là tất cả niềm đam mê của tôi mà thôi. 

 Cho nên, khi biết được thầy trụ trì đã giao cho vị tu sĩ bên VN làm trang web cho chùa, tôi đã lặng lẽ rút lui khỏi trang web của thầy. 

Và tập trung làm trang web Chìa Khóa Học Phật www.chiakhoahocphat.com một trang web dịch từ web Access to Insight, của hệ phái Theravàda Buddhism là tư liệu Kinh Điển Phật Giáo Nguyên Thủy. 

Đây là trang web gồm những bài kinh từ tiếng Anh được dịch sang tiếng Việt, một trang web rất uy tín về những bài viết của Chư Tăng Thái Lan và các Chư Tăng thuộc hệ phái Theravàda, trang này sẽ giúp ích cho rất nhiều người những ai muốn tìm hiểu Phật Pháp qua giáo phái Theravàda.

Tôi đã làm cùng với sự trợ giúp của ông xã và một số bạn. Trang web Chìa Khóa Học Phật này chính là tự mình một trang web riêng, và tôi tiếp tục viết với tất cả niềm tịnh tín, niềm chân thành và sự đam mê của mình đối với Phật Pháp.

Trang Chìa Khóa Học Phật gồm:

- Rất nhiều bài viết tiếng Anh của Chư Tăng thuộc hệ phái Theravàda và hệ phái Lâm Tăng được  tôi và ông xã cùng một số bạn chuyển dịch sang tiếng Việt, trước là để tự mình học hỏi sau để giới thiệu đến các Thiện Tri Thức cùng tu tập.  

- Những bài giảng của Chư Tăng Việt Nam được chuyển biên thành văn bản.

- Trang Vườn Hoa Đạo gồm: 

Mỗi ngày một câu chuyện cười (Laughter, the best medicine) Con người từ khi mới sanh ra đã cất tiếng khóc chào đời, không hiểu rằng tiếng khóc đó là mừng vì được ra đời hay vì tủi thân đã không được giải thoát về nơi bất sinh, mà phải sinh vào cuộc đời trăm đắng ngàn cay này. Mà thật vậy trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta đã phải đương đầu với bao đau khổ, oan ức, buồn tủi, giận hờn vì những ganh tỵ, đố kỵ lẫn nhau, hoặc thương cảm vì trái ngang. Muốn sống một mình để lánh xa những phiền lụy đầy nước mắt đó nhưng nào ai làm được. Nụ cười là liều thuốc bổ, cho dù đôi khi tiếng cười cũng có thể là một tiếng khóc không tuông lệ. 

Mỗi ngày một câu chuyện thiền, đây  là những mẫu chuyện thiền của các vị thiền sư được ghi chép lại. 

Cổ Học Tinh Hoa, của Ôn Như Nguyễn Vãn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn, với 250 mẩu chuyện, đem đến cho người đọc cách nhìn cuộc sống,  cách cư xử sao cho phù hợp. 

Truyện Cổ Nước Nam, của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Tập hợp hơn 200 truyện cổ, sự tích về con người và muôn loài nước Việt đã lưu truyền trong đời sống dân gian từ xa xưa cho đến tận ngày nay.

Truyện Ngắn. Là những câu chuyện ngắn được sưu tầm trên Net, gồm những câu chuyện về nghệ thuật sống dành cho tất cả mọi người.

- Tuyển tập Minh Hạnh, ghi chép lại những kỷ niệm, những kinh nghiệm, những vui buồn trong cuộc sống mà tác giả đã trải qua.

Để trả lời câu hỏi của rất nhiều người: "Tại sao tôi không làm trang web cho Chùa nữa?"

Xin thưa rằng: 

Trước kia tôi đã sai lầm khi nghĩ rằng chỉ làm trang web cho Chùa mới được phước báu, cho nên tôi đã vui mừng khi được thầy trụ trì giao cho làm trang web và tôi đã mang một tâm tư nặng nề lo sợ bị thầy lấy lại giao cho người khác thì mình hết phước. Nhưng thật lạ, ngày thầy giao trang web cho người khác thì tâm tôi lại thật là nhẹ nhõm, một cảm tưởng như mình đã trút được gánh nặng mà từ 20 năm nay đè nặng trên bờ vai bé nhỏ của mình,  một trạng thái tâm thanh thản sảng khoái, một trạng thái tịch tịnh an lạc, không còn những sợ hãi, không còn lo lắng bị lấy mất cái mình yêu qúi nữa.

Giờ đây, tôi vẫn viết, vẫn đam mê viết, dù chỉ trong phạm vi hạn hẹp của chính mình, nhưng tôi lại như chim bay lượn tự do trên bầu trời thanh tịnh quang đãng không có gió bão, như cá bơi lội tung tăng ngoài biển khơi mênh mông.

Tôi chợt nhớ khi còn bé tôi được tham gia Gia Đình Phật Tử chùa Giác Tâm ở Phú Nhuận, và một bài hát thường được các anh chị trong gia đình Phật tử hát  trong các buổi lửa trại của gia đình Phật tử mà tôi được tham dự để kết thúc câu chuyện này.

Ta múa ta vui mình ta.  

Đây tiếng sui thét rền

rừng cây rung đùa

đùa trong nắng tàn

hoàng hôn dần tan

màn đêm dần buông

Cồn chiên lừng lên

Châu Pha rừng, 

đầy cây um tùm, 

đầy voi heo hùm,  

đầy chim hoa lá, 

đây mình rừng hoang,

 lửa bừng rừng Châu Pha, 

càng khuya càng cháy bập bùng, 

đây người viễn xứ, 

suốt đời lô nhô

 sống nhờ hai tay

đây người mang khố

vầy vui rừng sâu

... Ta múa ta vui mình ta./.