Sunday, December 18, 2022

Sự Thử Thách

 Sự Thử Thách

Minh Hạnh phóng tác 

"Thứ nhất thì tu tại gia, Thứ nhì tu chợ, Thứ ba tu chùa."

Lời truyền rằng; tu viện Linh Sơn là  ngôi chùa nằm trên một ngọn núi sâu trong rừng rậm, từ thành phố muốn tới hành hương cũng phải mất một ngày trời  vì đường đá gồ ghề. Sư trụ trì tuổi chừng 70  đã sống trong ngôi chùa từ rất lâu và rất lâu, khi sư là đứa bé vừa chập chững biết đi, biết nói bập bẹ  đã được cha mẹ đem đến gửi nhà chùa nuôi. Ngôi chùa ngoài vị Sư trụ trì còn có khoản 10 vị sư trẻ khác cũng đến chùa sống dưới sự chăm sóc của vị trụ tri từ khi còn là những đứa trẻ được cha mẹ đem đến nhờ nhà chùa nuôi dạy, tất cả ngày lẫn đêm quây quần tu tập bên nhau. 

Mùa hè ở đây,  khi những tia nắng ban mai ló rạng,  mặt trời bao trùm ngọn  núi  với những nương rau, nương khoai, đất trời như hồi sinh, khí trời lành lạnh xen tiếng chim hót líu lo tạo nên âm thanh tươi mát.

Trong khi, buổi tối thì ngược lại, rừng núi chung quanh chìm trong im lặng và u ám.  Thỉnh thoảng, một đám mây bão nổi lên và có tiếng sấm rền vang giận dữ. Bầu trời bên ngoài với những đám mây tối đen đem cơn bão vần vũ  kêu rít từng hồi. Những tàng cây quằng quại trong giông bão chúng  đập vào nhau, những tàng lá bay tơi tả theo cơn gió cấu tạo thành một bức họa sống động, một thứ gì đó rất hoang dã và phẫn nộ. Hoặc những  đêm với nhiều ngôi sao lấp lánh trên bầu trời. Và xa, rất là xa, vang lên những tiếng gầm gừ của những con hổ đói đang đi rình mồi quanh ngọn núi... đó là tất cả ở đây , một quần thể gồm một căn phòng tập thể cho mọi người sinh hoạt một bên ngọn núi  và bên kia  ngọn  núi  là ngôi chùa với Chánh Điện nằm sừng sững  tọa lạc thật xa thật xa trên con đường ra thành phố. Mỗi ngày và mỗi đêm, năm này qua năm khác tiếp diễn như vậy.

Hàng đêm tu sĩ  cầu nguyện xong và vị Sư trụ trì thuyết giảng giáo pháp. Vị Sư trụ,  Khi Sư nói về bất cứ điều gì, ngay cả những điều bình thường nhất - ví dụ như rừng núi, thú dữ  - toàn thể họ lắng nghe  mà không có một sự xúc động hay ngạc nhiên vì dường như đó là những hợp âm giống nhau. Nếu Sư  xúc động đến tức giận hoặc kiềm chế bản thân trước niềm vui mãnh liệt, hoặc bắt đầu nói về điều gì đó khủng khiếp hoặc vĩ đại, thì  khuôn mặt Sư đỏ bừng, và giọng nói như sấm, và  các nhà sư lắng nghe, họ cảm thấy rằng linh hồn của họ bị trói buộc bởi sự thuyết giảng của Sư Trụ Trì. Vào những khoảnh khắc như vậy, quyền lực của Sư Trụ Trì đối với họ là vô biên, và nếu Sư đề nghị các đệ tử của mình hãy hi sinh vì giáo pháp thì, tất cả, tất cả mọi người trong số họ, sẽ nhanh chóng thực hiện mong muốn của Sư.

Những bài kinh tụng, giọng ngân  kinh kệ của Sư Trụ Trì  tôn vinh Đức Phật, Chư Thiên, là nguồn vui liên tục cho các tu sĩ. Đôi khi, qua sự đơn điệu của cuộc sống, họ cảm thấy mệt mỏi vì cuốc đất đào mương cho những nương khoai, nương rau, hoa trái, mùa xuân, mùa thu, đôi tai của họ mệt mỏi vì âm thanh của rừng rú và tiếng hót của loài chim dường như tẻ nhạt đối với họ, nhưng tài năng của Sư trụ trì là  cần thiết đối với họ trong cuộc sống hàng ngày.

Mấy chục năm trôi qua, ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác, tất cả đều giống nhau, ngày cũng như đêm. Ngoại trừ chim chóc và thú dữ cọp beo, không có một linh hồn nào xuất hiện gần chùa. Nơi sinh sống của con người gần nhất rất xa và rất xa,  để đến được  chùa, hoặc từ  chùa đến nơi có con người sống,  là một cuộc hành trình hơn bảy mươi cây số băng qua rừng rú. Chỉ có những người chán sự sống, những người muốn  từ bỏ cuộc sống, và những người đến ngôi chùa như một nấm mồ, mới mạo hiểm băng qua rừng rú.

Nhưng mà rồi, một đêm nọ, cổng chùa tiếng chuông được gióng lên do một ai đó, đã đánh thức mọi người dạy. Đó là một người đàn ông đến từ thành phố. Người đàn ông đó đã xin một bữa ăn vì dường như ông ta đói lã rồi. 

Sư trụ trì kêu một  người xuống nhà bếp thổi cho anh ta một ít cơm, luộc một ít rau và dọn lên cùng với chén tương để mời người khách ăn. 

Khi anh ta ăn xong, Sư trụ trì  hỏi làm thế nào anh ta từ thị trấn vào rừng rậm, anh ta trả lời do đi săn cùng chúng bạn;  vì uống rượu quá nhiều nên lạc đường. Sư Trụ Trì  đề nghị  anh ta nên xuất gia vào chùa tu để giải thoát các nghiệp bất thiện mà anh đã làm trong cuộc sống của anh như đi săn là một hình thức sát sinh, anh ta đã trả lời với một nụ cười: "Tôi không phải là một người bạn đồng hành phù hợp với các người!"

Anh ta nhìn các nhà sư đang đứng quanh mình, lắc đầu và trách móc:

"Các người không làm gì cả, các người đi tu. Các người ăn uống chẳng ích lợi gì. Đó có phải là cách giải thoát con người không? Chỉ nghĩ, trong khi các người ngồi đây thanh thản, ăn uống và ước mơ phúc lộc, xóm giềng của các người  đang diệt vong và đang đi đến địa ngục. Các người nên xem những gì đang diễn ra trong thị trấn! Một số đang chết vì đói, những người khác, không biết phải làm gì với số vàng của mình, chìm trong tội lỗi và chết như ruồi mắc mật. Không có đức tin , không có lẽ thật về loài người. Nhiệm vụ của ai cứu họ? Công việc của ai là phải thuyết giảng cho họ? Việc này không phải dành cho tôi, một người say xỉn từ sáng đến tối như tôi. Một tâm hồn từ bi, một trái tim tràn đầy bi mẫn  và niềm tin vững mạnh, để các người  ngồi đây trong bốn bức tường mà không làm gì cả? "

Những lời nói say sưa của người đi săn đến từ thành phố là xấc xược và vô nghĩa, nhưng chúng có tác dụng kỳ lạ đối với Sư Trụ Trì. Sư Trụ Trì  trầm ngâm nhìn  đệ tử  của mình, rồi nói:

"Này các con, anh ta nói sự thật. Thật vậy,  chùa không phải là nơi giải sầu, Tam Bảo không là chốn xa lánh trần gian, chúng ta nói tu để giải thoát nhưng chúng ta lại quên những con người ngoài kia sống cuộc sống phù hoa, đàng điếm ,  một xã hội trụy lạc hầu như sắp diệt vong, phần lớn trong đó người ta đã  nhầm lẫn ý nghĩa của đời người, mọi lý tưởng cao xa, chỉ là sự thỏa mãn về vật chất, sự đầy đủ của xác thịt; những hành động trái với luân thường đạo lý, con người trong cuộc sống hàng ngày mà  kẻ tiểu nhân xen lẫn trong đời sống khó nhận biết.  Họ dối gạt lừa lọc nhau, điều này khiến xã hội đi vào chỗ bại hoại gây ra nhiều tội ác. những người nghèo trong sự suy nhược và thiếu hiểu biết của họ đang rãy chết trong sự vô minh, trong khi chúng ta không hề biết đến, như thể điều đó không liên quan đến chúng ta. Tại sao chúng ta  không nên đi và dạy họ về Ngũ giới là năm điều ngăn cấm mà Đức Phật đã ban ra, để ngăn ngừa những pháp bất thiện, những điều này dựa trên tâm từ bi, bình đẳng trên phương diện dứt trừ tội lỗi cá nhân và đem lại trật tự, an vui cho xã hội ?"

Và đêm đó, những lời của người thị trấn đã  khiến Sư Trụ Trì suy nghĩ miên man. Ngày hôm sau khi ban mai vừa chớm dạy, Sư Trụ Trì  tiến người khách một đêm ra về lại thành phố, Sư Trụ Trì cũng nói lời tạm biệt các đệ tử để vào thành phố hóa độ cho người dân, những người vì vô minh đang lầm lạc sa ngã trong tội lỗi nơi thị trấn. Và các tu sĩ đã bị bỏ lại mà không có sự dìu dắt của Sư Trụ Trì, và không có các bài thuyết giảng cũng như lời tụng kinh hàng đêm. Họ trải qua những  tháng ngày ảm đạm, họ chờ đợi vị Trụ Trì xuất hiện lại nơi cửa chùa, nhưng chờ mỏi mòn ngày này qua ngày khác, Sư cũng không quay lại. Cuối cùng, sau ba tháng trôi qua, tiếng gióng chuông quen thuộc của Sư Trụ Trì đã được nghe thấy. Các tu sĩ chạy như bay đến gặp Sư và đặt câu hỏi, nhưng thay vì vui mừng khi nhìn thấy các đệ tử, thì Sư Trụ Trì khóc  thảm thiết và không thốt lên lời nào. Các nhà sư nhận thấy thầy mình trông già đi rất nhiều và gầy đi; khuôn mặt mệt mỏi và mang một biểu hiện của nỗi buồn sâu sắc, và khi Sư Trụ Trì khóc, dường như mang khí chất của một người đàn ông đã bị xúc phạm.

Các tu sĩ cũng rơi nước mắt, và hỏi tại sao Sư Phụ lại khóc như vậy, và sao trông Sư Phụ buồn thảm như vậy. Nhưng Sư Trụ Trì không trả lời mà lặng lẽ đi về am thất của mình, nhốt mình trong am thất suốt ngày không ra khỏi. Trong bảy ngày, Sư ngồi trong am thất, chỉ khóc và không tụng kinh kệ, đến giờ thọ trai đệ tử gõ cửa thỉnh đến trai đường nhưng Sư im lặng không đáp trả nên họ đành để bát của Sư trước cửa am thất, có hôm bát vẫn còn đầy. Các tu sĩ đến gõ cửa van nài Sư trụ trì  ra ngoài và chia sẻ nỗi đau của mình với họ, nhưng Sư trụ trì chỉ  đáp lại bằng một sự im lặng.

Cuối cùng thì Sư Trụ Trì cũng ra khỏi am thất. Tập hợp tất cả các tu sĩ tại ngôi Chánh Điện, với khuôn mặt đau khổ xen lẫn  sự  buồn phiền và phẫn nộ, Sư  bắt đầu kể cho các đệ tử của mình  những gì đã xảy ra với Sư  trong ba tháng ở thị trấn.

 Giọng Sư trầm buồn và dường như đôi mắt của Sư  rạng lên  khi nói đến cuộc hành trình của mình trên con đường mòn từ chùa đến thị trấn. Con đường gập ghềnh giữa những đá và rễ cây rất khó bước đi, tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách, và những hy vọng ngọt ngào kích động tâm hồn Sư, thỉnh thoảng đâu đó tiếng hú của những con vượn khiến mấy  con chim đang hót líu lo trên ngọn cây sợ hãi vỗ cánh bay vụi lên hư không. Mặt trời soi rọi xuyên qua những cây rừng rực rỡ những tia nắng ban mai. Sư băng qua rừng, lội qua suối, rồi Sư thấy trước mặt mình  là một cánh đồng rộng được bao phủ bởi những ngọn lúa chín vàng ươm. Ở xa thật là xa nơi ở của con người không thể nhìn thấy ở phía cuối đường chân trời; và dường như con đường mà Sư đi sẽ  dẫn đến khu vực bí ẩn, mà Sư chưa hề  khám phá ở phía tây, nơi mặt trời đã lặn — nơi vẫn còn, rộng lớn và bí ẩn đối với Sư, nơi đó có ánh sáng tỏa ra muôn màu rực rỡ. Sư tự tin vào niềm tin mạnh mẽ của mình đối với Tam Bảo sẽ mang đến cho Sư một sự chiến thắng trong chuyến đi này.

Nhưng giọng nói của Sư bắt đầu run lên, mắt Sư bắn ra sự  phẫn nộ khi nói về thị trấn và về những người đàn ông trong đó. Chưa bao giờ trong đời Sư nhìn thấy hoặc thậm chí không dám nhớ lại những gì Sư đã  gặp khi đi vào thị trấn. Chỉ khi đó, lần đầu tiên trong đời, ở tuổi già, Sư mới thấy và hiểu được sức mạnh cám d của ma quỷ như thế nào, và đàn ông yếu đuối và vô giá trị như thế nào. Do một tình cờ không may, ngôi nhà đầu tiên Sư bước vào lại là nơi ăn chơi của những người đàn ông. Đó không phải một nơi ăn chơi xoành xĩnh, mà là một tòa nhà bề thế, nhìn bề ngoài người ta nghĩ  rằng chủ nhân nó là người lương thiện giàu có . Nhất là bầu không khí yên lặng càng làm tăng vẻ nghiêm trang”.

Khoảng năm mươi người đàn ông giàu có đang ăn và uống rượu cùng với các cô gái trẻ ăn mặc lả lơi ôm những người đàn ông giởn hớt, những  ảnh  mỹ nhân khỏa thân Tây phương treo la liệt trên tường.  Say sưa bên những ly  rượu, họ hát họ nhảy những bài hát  quyến rũ và nói những lời nói thô tục , mà những người xuất gia  không thể phát âm được; họ tự do, tự tin và hạnh phúc vô biên, họ không  sợ ma quỷ, hay cái chết, họ nói và làm những gì họ thích, và đi theo  dục vọng của họ dẫn dắt. Những thứ rượu đắt tiền trong veo như hổ phách, lấp lánh ánh vàng, hẳn là ngọt và thơm không thể cưỡng lại, những món ăn khai vị đáng kinh ngạc được mang đến từ nước ngoài, tất cả bọn họ đều say sưa hạnh phúc thưởng thức thú lạc của trần gian. 

Giọng nói của vị Sư già  càng lúc càng run lên vì  tức giận và Sư khóc  vì phẫn nộ, Sư tiếp tục mô tả những gì ông đã thấy. Ông nói, trên một chiếc bàn giữa những người vui chơi, có một người phụ nữ bán khỏa thân tội lỗi với những tiếng kêu rú khoái lạc. Thật khó để tưởng tượng hoặc tìm thấy trong tự nhiên bất cứ điều gì đáng yêu và hấp dẫn hơn. Người phụ nữ này còn rất trẻ,  da ngăm đen, với đôi mắt đen và đôi môi đầy đặn, không biết xấu hổ và xấc xược, lộ ra hàm răng trắng như tuyết và mỉm cười như muốn nói: "Hãy nhìn cho kỹ, tôi đẹp làm sao." Chiếc áo đầm quấn trên người cô ta đã  rơi thành những nếp gấp đáng yêu từ vai nàng,  vẻ đẹp của nàng sẽ không ẩn mình dưới lớp áo, mà háo hức tung mình qua những nếp gấp, như đám cỏ non xuyên qua mặt đất vào mùa xuân. Người phụ nữ không biết xấu hổ đã uống rượu, hát những bài hát và để mặc cho bất cứ ai muốn cô ấy.

Sau khi mô tả tất cả sức hấp dẫn của ma quỷ, vẻ đẹp của cái ác, và sự quyến rũ hấp dẫn của hình dạng phụ nữ đáng sợ, vị Sư già nguyền rủa ma quỷ, rồi quay lại am thất và nhốt mình trong đó. . . .

Khi vị Sư già ra khỏi am thất của mình vào  sáng hôm sau,   không có một tu sĩ nào còn lại trong chùa; tất cả các tu sĩ đã chạy trốn đến thị trấn. Ngoại trừ trong Chánh Điện, trên bục cao tôn tượng Đức Phật đôi mắt Ngài toả ra sự từ bi như thương xót vị Sư già đang gục mặt nơi chánh điện./.


Friday, December 9, 2022

Nợ Anh Lời Xin Lỗi.

 Nợ Anh Lời Xin Lỗi.

Minh Hạnh, Baton Rouge, ngày 9 tháng 12, 2022

Chuyện xảy ra cách đây rất lâu nhưng tôi vẫn còn  giữ mãi trong tâm cho đến tận ngày nay. Tôi còn nhớ  năm 1964  khi đang học lớp đệ ngũ trường Lê Bảo Tịnh, đường Trương Minh Giảng, Sàigòn. Năm đó chiến tranh đang lan tràn các nơi đầu vĩ tuyến. Tôi với tuổi đời  mới chừng 15 nên chưa biết yêu đương hẹn hò gì. Nhưng tôi lại rất thích viết văn, thích làm thơ và viết truyện, lúc đó tôi đã tập viết truyện ngắn những câu chuyện trẻ thơ. Do vậy khi  ban giám đốc của trường kêu gọi học sinh của trường tham gia chương trình "lá thư em gái hậu phương gửi các anh ngoài tiền tuyến", tôi cũng được tham gia.

Những tưởng viết thư để mà viết cho vui, ai dè những lời lẽ của cô bé 15 tuổi thích mộng mơ đã làm say đắm anh chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Mới nhận được lá thư đầu, mà lại thật hi hữu trúng ngay người anh của một cô  học cùng lớp, anh Trung Sĩ Nguyễn Thành Nam thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến  đóng quân tại Quảng Trị, nhân dịp được phép về nhà nên đã nhờ cô em gái đưa đến trường xin phép được gặp mặt em gái hậu phương.

Tôi và cô bạn học cùng lớp không thân chỉ biết nhau mà thôi, tôi  ngồi bàn đầu lớp  còn cô ngồi bàn cuối lớp nên không có dịp nói chuyện với nhau.

Sau khi nghe cô bạn nói anh của cô nhận được thư của tôi gửi khi đóng quân ở Quảng Trị, được về phép đã đến gặp tôi. Tôi bối rối khi gặp anh, khi viết thư thì lời lẽ trôi chảy lưu loát nhưng khi đối diện với anh, tôi chợt đơ người, ngượng ngùng không biết nói gì.

Sau lần đầu tiên gặp gỡ đó, tôi với cái tuổi "Ăn chưa no, lo chưa tới" tuổi vô tư, không biết suy nghĩ hay lo lắng gì. Tiếp tục vô tư viết thư cho anh khi anh ra ngoài tiền tuyến mà không nghĩ tới chuyện gì sẽ đến cho ngày mai. 

Cho đến năm lên lớp đệ tứ, một lần về phép  anh đón tôi tan trường và nói sẽ xin phép ba mẹ  để hỏi cưới tôi. 

"Mèn ơi", tôi muốn té xỉu, khi nghe đến hai chữ hỏi cưới về làm vợ anh, chúng tôi chưa một lần đi chơi riêng hay hẹn hò dạo phố với nhau, ngoại trừ chỉ thư từ qua lại mà thôi .  Năm đó tôi đang học thi ráo riết cho xong bằng trung học, có viết thư  chỉ để vui mà thôi, chứ "ăn còn chưa biết no, mà lo thì lo chưa tới" thì nghĩ gì đến chuyện yêu đương, mà tôi đâu có yêu anh để  về làm vợ anh, nên tôi từ chối không cho anh đến nhà gặp ba mẹ tôi, và sau đó tôi cũng ngưng không trả lời thư anh vì bận học thi trung học. Và không hiểu tại sao em gái anh cũng không đến lớp học nữa.  Từ đó chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc của nhau.

Đó là một buổi chiều tháng Tư cuối năm lớp đệ tứ. Sau giờ tan học tôi về nhà. Vừa bước vào nhà thì thấy mẹ tôi đang tiếp một anh quân nhân, nhìn thoáng qua tôi tưởng là anh, tôi bối rối chào. Mẹ tôi nói:

- Con à, con có quen người nào tên Nam, trung sĩ TQLC không?  anh này là bạn của người trung sĩ tên Nam.

Người quân nhân này thấy tôi bối rối chắc là không nhớ câu chuyện "lá thư em gái hậu phương gửi các anh ngoài tiền tuyến".

Anh nói: " Chào cô, tôi và trung sĩ Nam là bạn đồng đội rất thân với nhau. Trung sĩ Nam thường kể về cô về những bức thư của em gái hậu phương cho tôi nghe. Hiện giờ trung sĩ bị thương rất nặng đang nằm tại bệnh viện Cộng Hòa. Anh nói với tôi muốn được gặp cô một lần. Tôi xin đưa cô đến bệnh viện thăm anh ấy.

Tôi ngơ ngác và không biết suy nghĩ gì nữa, một phút sau tôi lắc đầu và nói: "Tôi không đi." 

Rồi tôi bỏ vô phòng đóng cửa lại, để mặc anh quân nhân cho mẹ tôi tiếp. Một lúc sau dường như anh chàng quân nhân về rồi, mẹ tôi gõ cửa gọi tôi ra hỏi chuyện. Lúc đó tôi mới kể câu chuyện trong lớp tôi có tham gia chương trình viết thư cho các chiến sĩ ngoài tiền tuyến và anh trung sĩ Nam đã nhận được thư tôi rồi quen nhau, nhưng không phải người yêu của nhau, bây giờ anh bị thương tôi đâu thể đi thăm được, mà thăm với danh nghĩa gì để thăm.  Mẹ tôi đồng ý không đi thăm là đúng, bởi vì không là gì của nhau thì không nên đi thăm.

Chừng một tháng sau đó, anh quân nhân bạn anh lại đến nhà, nhưng lần này không gặp tôi vì tôi chưa đi học về, anh quân nhân đó nhờ mẹ tôi đưa lại cho tôi một xấp thư mà tôi đã viết và cho biết là xấp thư được tìm thấy trong balo của trung sĩ Nam và nghĩ rằng đó là của tôi nên anh nhờ mẹ tôi giao lại cho tôi. Anh còn nói rằng:

Anh Nam yêu tôi tha thiết và muốn kết hôn với tôi nhưng bị tôi từ chối nên anh thất tình, khi ra trận anh luôn xung phong đi đầu, dường như anh rất đau khổ và  anh đã bị thương nằm tại bệnh viện Cộng Hòa, anh muốn gặp tôi nhưng tôi không đến thì vài ngày sau anh ra đi mãi mãi.

Khi học về tôi nghe mẹ kể mà lòng ray rứt. Trong vô minh, chẳng thể biết được rằng mải mê chạy theo những vui thích của mình và thêm sự ngây thơ của tuổi 15, tuổi dại khờ chỉ biết vui mà không nghĩ tới sự vô tình của mình đã gây tổn thương đến những người khác. 

Vẫn biết, nhân sinh như mộng,  anh ra đi, để lại trong tôi một niềm hối hận ray rứt, vẫn biết chuyện tình cảm không phải lỗi do tôi hay lỗi do anh, nhưng vì tuổi quá nhỏ, còn dại khờ chưa biết yêu mà viết thư chỉ do sự thích viết,  những tưởng lời an ủi của em gái hậu phương giúp các anh nơi tiền tuyến ấm lòng mà vững tâm chiến đấu giữ cho hậu phương được yên bình, đâu ngờ lại gây ra sự tổn thương cho anh.

Mượn lời  câu chuyện tôi kể đây, như một lời xin lỗi đến anh, người tôi đã vô tình gây tổn thương./.