Sunday, January 14, 2024

Chuyện ngắn - Chú Sóc Nâu

 


Chú Sóc Nâu



by Minh Hạnh,  August 7, 2014

Tôi nhớ, vào một ngày đẹp trời của đầu mùa xuân năm ấy, tuy chúng tôi đã có một căn nhà đủ tốt để gia đình làm nơi cư trú. Nhưng  chúng tôi tháp tùng vợ chồng người bạn đến từ thành phố Monroe muốn mua nhà gần khu đại học để tiện cho các con đi học. Khi đi ngang qua căn nhà này tôi không có ý định vào xem vì thấy cây cổ thụ hơi nhiều, nhưng người môi giới (realter) năn nỉ và nói đi ngang qua thì cứ ghé vào xem, không nhất thiết xem là phải mua, cứ vào coi một chút. Tôi miễn cưỡng bằng lòng để cho ông ta vui. Nhưng thật bất ngờ, tôi choáng váng sững sờ khi nhìn thấy khuôn viên nhà trải rộng trong cảnh trí thật thơ mộng với những cây sồi cổ thụ và cây thông cao ngất trời xanh đứng sừng sững giữa thảm cỏ xanh mát điểm thêm những cây bông xứ trắng xóa, một cảnh thần tiên. 


Điểm làm tôi thích thú nhất đó là, những chú sóc nâu chơi đùa trên thảm cỏ, chúng tung tăng chạy nhảy, và thỉnh thoảng chúng đứng lại hai tay chắp trước ngực cặp mắt tinh ranh nhìn chúng tôi như chào hỏi, rất giống hình thức của các Phật tử thuần thành khi gặp nhau trong chùa thường hay chắp tay trước ngực, một hình ảnh rất thân thương.  Hình ảnh thân thiện của mấy chú sóc đã đánh động tâm tôi, và một ý nghĩ vui thoáng nẩy trong trí tôi là biết đâu trong một kiếp nào đó chúng đã từng là người Phật tử của một ngôi chùa ở một xứ rất xa rất  xa, và tôi rất vui với ý nghĩ này. Đó là lý do vợ chồng tôi đã mua căn nhà này.

Khi mua nhà xong, tôi để ý  người chủ nhà trước không hiểu sao lại không trồng cây ăn trái. Chắc  có lẽ họ chỉ thích cây xanh dị thảo hoa lá cành. Do vậy, chúng tôi bắt đầu trồng một loạt các loại cây có trái ăn như hồng, quít, lê, bưởi. Chỉ hai năm sau là khu vườn nhà tôi những cây ăn trái đã bắt đầu ra hoa. Chúng tôi hứng khởi chờ đợi ngày các trái cây chín để thưởng thức trái cây do chính tay mình trồng.

Khi cây lê, cây đào những trái bắt đầu lớn nhìn rất vui. Nhưng mà rồi, những trái lê, trái đào  trên cành từ từ biến mất, mình chưa ăn được trái nào mà sao biến mất một cách thần bí. Thế là chúng tôi bắt đầu canh chừng xem nhân vật nào, cũng lạ, ở bên Mỹ trẻ em đâu có thèm trái cây, và sự giáo dục ở trường ở cha mẹ  rất chu đáo, không bao giờ các bạn có thể bắt gặp một đứa trẻ vào vườn bạn bẻ  trộm trái cây. Và một hôm, thật bất ngờ, tôi nhìn thấy một chú sóc miệng cắn cuống một trái lê thật lớn,  chạy như bay về phía cuối vườn. Chúng tôi ngạc nhiên thích thú nhìn cảnh tượng đó. 

Và rồi, khi đào, lê bị đàn sóc ăn hết, thì đến cây hồng, những chú sóc nhảy nhót chuyền từ cành này sang cành kia trái nào hơi ửng vàng là đều bị chúng cắn cuống cho rụng xuống đất rồi chúng phóng  xuống rinh về ổ. Chỉ trong vòng một hai tuần là cây hồng cả trăm trái biến sạch. Ông xã tôi thấy vậy năm kế tiếp đi Home Depot mua lưới chim và lưới nai (deer net) . Ông  nhất quyết  bao trùm nguyên cây hồng để các chú sóc không phá phách được. Cây cao 10 thước, ông xã và người anh họ hì hục tung lưới lên cao cho chùm từ ngọn xuống tới gốc. Và yên trí các chú sóc sẽ không phá không ăn trộm hồng nữa.

Nhưng mà rồi, yên được hai ngày, đến ngày thứ ba thì thấy các trái hồng xanh nằm lác đác trên sân cỏ gần cây hồng. Chúng tôi lại thắc mắc, mình đã lưới trùm hết sao lại có trái lọt ra ngoài, ông xã tôi lại gần cây hồng thì thấy "ah! thủ phạm đây rồi", hai chú chim một robinson và một là chim sẻ đang cuống quít nhảy lung tung trong lưới,  ông xã tôi mở lưới hé ra và lùa những chú chim cho thoát ra ngoài: 

 "ôi! mừng quá, chúng tôi đã thoát ra khói lưới rồi, xin cám ơn ông chủ tốt bụng". Hai chú chim vui mừng sau mấy cái vỗ cánh thì bay vọt lên cao mất tiêu. Có lẽ do dưới gốc cây chưa túm lưới lại nên hai chú chim đã vào từ đó, do vậy ông xã tôi đã dùng giây buột túm lại, từ sau ngày đó không có con chim nào lảng vảng bên cạnh cây hồng nữa.

 Nhưng lạ kìa! sao các trái hồng xanh vẫn bị hái và bỏ nằm lăn lóc trên sân cỏ, tựa như ai đó phá cho bỏ ghét. Và rồi một hôm, chúng tôi nhìn thấy một chú sóc đang chuyền từ cành này sang cành khác rất nhanh, ngạc nhiên quá đỗi, vì lưới bao trùm từ trên ngọn cho đến gốc cây thì túm lại, nghĩa là không có một sơ hở nào để chú sóc có thể chui vào được. Ông xã tôi đứng quan sát xem chú sóc nâu đang chuyền từ cành này sang cành kia đã vào bằng đường nào. Chú sóc thấy người đến chú liền phi thân từ trên một nhánh cây hồng sang nhánh cây cổ thụ cao ngất gần đó. Như vậy, tức là có lỗ hổng tại nơi chú sóc vừa chui ra. Ông xã tôi đến gần nhìn kỹ thì ra lỗ hổng đó chính là do các chú sóc cắn lưới để chui vào. 

Thế là chúng tôi chịu thua. Hai lớp lưới chồng lên nhau thế mà vẫn bị các chú sóc cắn rách để chui vào ăn trộm hồng. Ôi! các chú trong một thời nào đó đã thọ giới để trở thành người Phật tử và trong kiếp này các chú chỉ nhớ cách chắp tay chào nhau trong phương thức của người Phật tử nhưng lại quên  giới điều thứ nhì đã thọ là "không trộm cắp, không lấy của không cho" Xin chào thua các chú!