Đạo Đức
Viết ngày, 28 tháng 08 năm 2012, Minh HạnhMột buổi tối tháng Ba, Sài gòn mưa tầm tã, sấm sét vang trời. Tại ngã ba đường Võ Di Nguy và Nguyễn Minh Chiếu, Phú Nhuận, đứa bé trai được quấn trong một chiếc khăn lông rách dơ bẩn, nó vừa được ra khỏi nhà bảo sanh thí hai ngày nằm yên trong cái hộp giấy, đôi mắt nhắm nghiền dường như nó phó mặc ông trời đang giận dữ với loài người ác độc đã đem nó bỏ ngoài vỉa hè, bên cạnh cái hộp giấy cũng dơ bẩn không kém chiếc khăn lông quấn quanh người nó là bà mẹ trẻ đang nằm run rẩy vì lạnh và cũng vì yếu sức sau cơn đau khủng khiếp vì sanh nở, bà mẹ trẻ tuổi chỉ là một đứa bé vừa tròn 13.
Họ đến tá túc nơi vỉa hè trước một quán cơm bình dân. Đó là hai vợ chồng, người chồng tuổi chừng ngoài năm mươi còn người vợ ngoài bốn mươi và cô con gái mang bịnh khờ dại tuổi độ 11. Họ sống lê lết nơi vỉa hè lấy mái hiên của quán cơm làm nhà, sống nhờ lòng thương hại của khách qua đường và khách vãng lai của quán cơm, ngày ngày với cơm thừa canh cặn nuôi họ. Không ai biết họ từ đâu đến, chỉ biết một hôm vào buổi sáng sớm chủ quán mở cửa tiệm thì thấy họ đang nằm ngủ ngay dưới hàng hiên của tiệm.
Rồi ngày qua ngày mọi người đã quen với sự hiện diện của gia đình này.
Người con gái nhìn ông đi qua bà đi lại với đôi mắt dại khờ, cô không biết nói chuyện mà chỉ cười ngờ nghệt mỗi khi người nào đó hỏi thăm cô hay cúi xuống bỏ đồng bạc bố thí vào cái chén mủ sức mẻ trước mặt cô. Khuôn mặt cô lấm lem bùn đất, mái tóc thì rối bù và bê bết bùn, quần áo thì không thể nói rằng trên đời này có bộ quần áo nào rách tả tơi hơn cái cô đang mặc. Bà mẹ và ông cha của cô cũng không hơn gì. Họ sống lây lất tháng ngày trên vỉa hè mặc mưa dầm hay nắng đốt, dường như họ cam chịu số kiếp đoạ đầy mà không màng đến ngày mai ra sao.
Họ sống như vậy được một năm thì một hôm những người buôn bán quanh đó nhận thấy cô bé dường như bị một cú sốc rất nặng, cô ngồi ủ rủ, đôi mắt mọi ngày đã ngây dại bây giờ thêm nét sợ hãi, mặt cô che dấu trong vòng tay run rẩy, cô không còn cười với những người hảo tâm cho tiền mà luôn sợ hãi run rẩy khi thấy ai đến gần mình. Họ hỏi cha mẹ cô là chuyện gì đã xảy ra cho cô nhưng hai người không trả lời. Rồi sau đó ít lâu họ thấy cô ói mửa mỗi khi ăn thứ gì vào, họ có chút nghi ngờ nhưng với hình dạng nhỏ bé và dơ bẩn thì họ lại gạt đi nghi vấn ở trong lòng.
Nhưng mà rồi thời gian đã trả lời là bụng cô càng ngày càng lớn và vào một ngày mưa to gió lớn của tháng Ba, cô khóc la thảm thiết, mấy người hảo tâm thương xót hùn tiền giúp cô phương tiện để đến nhà thương thí. Thế là đứa bé trai ra đời mà không ai biết cha nó là ai.
Đứa bé sơ sinh đỏ hỏn được đặt nằm trong cái hộp giấy trên vỉa hè, bà mẹ trẻ nằm kế bên đôi mắt nhắm nghiền vì quá mệt mỏi và mất sức. Lúc bấy giờ là vào tháng Ba năm 1975 chiến sự đang sôi nổi, đường phố tất bật người qua lại nhưng trên mặt người nào cũng hằn nỗi lo lắng. Người ta lo lắng vì tình hình chiến sự càng lúc càng khẩn trương. Không ai để ý đến sự hiện diện của đứa trẻ. Nhưng mà rồi, đột nhiên một người phụ nữ Tây Phương dừng lại nhìn đứa bé trong cái hộp giấy với đôi mắt đầy lòng trắc ẩn. Bà ta nói với người thông dịch viên là bà muốn xin đứa bé sơ sinh đem về Mỹ. Thế là một cuộc thương lượng bắt đầu. Một lần nữa. Lần trước, qua một người biết chuyện kể rằng, cha mẹ của cô bé đã vì tiền mà đem đứa con khờ khạo tuổi còn quá nhỏ của mình cho một người đàn ông có tiền để bán trinh cô bé, lần này cũng vì tiền mà cha mẹ của cô bé lại đem bán đứa cháu cho người phụ nữ Tây Phương đó.
Thế rồi, người ta đem đứa nhỏ đi, cô bé ngờ nghệt nhìn với đôi mắt vô hồn, không vui, không buồn.
Baton Rouge, ngày 28-8-2012
Minh Hạnh
No comments:
Post a Comment