Saturday, April 17, 2021

Bơi Ngược Dòng - Cá Salmon

 Bơi Ngược Dòng - Cá Salmon

Minh Hạnh
Viết ngày, 08 tháng 08 năm 2010

Chiếc Crusie Ship Holland America Line cập bến lúc 8:00 giờ sáng tại bến cảng của thành phố Ketchikan, Alaska. Trời buổi sáng Ketchikan, Alaska thật đẹp với khí hậu trong lành mát mẻ. Cập bến cùng lúc với chiếc Holland America 2000 người là chiếc Crusie Ship Royal Caribbean với 3000 du khách. Hành khách của hai chiếc tàu cùng lên bờ một lúc nên quang cảnh thật là nhộn nhịp. Tôi theo dòng người bước xuống cầu tàu để tham quan thành phố Ketchikan.

Thành phố Ketchikan nằm trên Đảo Revillagigedo, 90 dặm (145 km) về phía bắc của Prince Rupert, British Columbia và 235 dặm (378 km) về phía nam của thành phố Juneau, Alaska. Trời trong và nhiệt độ trung bình của tháng tám là 50 ° F . Ketchikan được đặt tên theo nhánh sông Ketchikan, chảy qua thị trấn. Kinh tế dựa trên du lịch và đánh cá. Thành phố được biết đến như là "Salmon Capital of the World", là một thành phố du lịch nổi tiếng của tiểu bang Alaska với cái tên "Thủ đô cá hồi của thế giới." Danh xưng này thật không sai. Cùng với vịnh Misty National Monument phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp là một trong những điểm thu hút lớn của khu vực.

Tại bến tàu các công ty chuyên chở khách du lịch đi tham quan thành phố họ dựng lên những ki ốt để chào mời khách du lịch, một người với giá là 27 Dollars, xe bus chạy vào thành phố cho du khách tham quan trong 2 tiếng. Gia đình chúng tôi thì quyết định đi bộ để được nhìn ngắm quang cảnh của thành phố một cách nhàn rỗi hơn.

Chúng tôi đi dọc theo bến cảng nhìn ngắm những du khách đang tấp nập hai bên đường phố. Khí hậu buổi sáng với nhiệt độ 50 ° F thì hơi lạnh đối với những du khách đến từ những miền nhiệt đới như tôi, nhưng dưới tia nắng của mặt trời và đi bộ một lát thì thân nhiệt tăng nên tôi không còn thấy lạnh nữa. Có những du khách vào các tiệm bán quà kỷ niệm ở hai bên đường phố để mua quà kỷ niệm. Và một số du khách khác thì đi dọc theo trail tức là con đường mòn dẫn đến nguồn suối nơi có đàn cá Hồi (salmon) đang bơi ngược dòng nước để về nguồn. Tôi và gia đình hoà nhập theo nhóm đi đến nguồn suối, vì tò mò muốn biết sự sinh hoạt của đàn cá Hồi như thế nào. Đọc những bài nghiên cứu về sự sinh hoạt của đàn cá Salmon nhưng tôi vẫn không hình dung được cho nên khi có cơ hội đi crusie Alaska là tôi tháp tùng ngay. Chính phủ đã cho thành lập một con đường mòn nhỏ (trail) đủ một hai người đi dọc theo dòng suối nơi có đàn cá Salmon đang lội ngược giòng nước, có khúc đường bằng những nhịp ván ghép lại, bắc ngang trên giòng suối, để du khách có thể nhìn rõ đàn cá đang cố gắng bơi ngược dòng suối ở bên dưới, có khúc đường thì đi quanh co bên sườn đồi nơi có những căn nhà gỗ rất cũ, có căn đã bị đổ vì gỗ đã mục, có căn thì còn đứng vững là nhờ những miếng tôn vá víu bên ngoài trông rất cũ, có thể số tuổi trên 100 năm. Được biết đây là những căn nhà xưa kia của mấy cô gái làng chơi dùng nơi tiếp các dân tứ xứ đến đây lọc vàng. Chính phủ đã giữ lại những căn nhà gỗ mục này như là một di tích lịch sử của thành phố. Chung quanh lối đi dọc theo con suối có rất nhiều cây cối xanh um, rậm rạp, giống như ngọn đồi hay khu rừng nhỏ, dường như cố tạo nên một phong cảnh thiên nhiên trời đất bày ra cho một sự sống của loài cá Salmon tức là cá Hồi.

Đứng trên con đường bằng ván ghép lại, nhìn xuống giòng suối đang chảy bên dưới, đàn cá Salmon hàng ngàn hàng vạn con làn da đen bóng đặc nghẹt đang vùng vãy nơi dòng suối và đang cố gắng bơi ngược dòng mới nhìn thấy sự cố gắng vô biên của đàn cá. Nước từ trên các nghềnh đá cao chừng ba bốn feet, chảy xiết rất mạnh. Nhưng dường như đối với đàn cá thì cho dù có trở ngại, cho dù có khó khăn, chúng cũng quyết vượt qua. Không những phải bơi ngược dòng nước đang chảy xiết mà chúng còn phải nhảy qua các nghềnh đá cao.



Có những con nhảy qua nhưng hụt và rơi vào tảng đá, thân đập vào tảng đá thật mạnh một cái: "bốp !"

Và rồi rơi xuống những tảng đá bên dưới một cái: "bịch !"

Chúng dãy đành đạch, và bị dòng nước đẩy ngược về phía sau. Tôi tưởng đâu chúng bỏ cuộc. Nhưng không. Chúng quay đầu lại và tiếp tục dùng sức bơi ngược dòng và lại cố sức phóng lên để nhảy qua cái nghềnh nước, rồi lại nhảy hụt, lại đập vào vách đá và lại rơi xuống tảng đá bên dưới dòng suối, rồi lại bị đẩy lùi về phía sau, nhưng chúng vẫn kiên gan quay trở lại và thi đố với thiên nhiên để nhảy tiếp qua nghềnh.



Một số con không chịu nổi đã chết dọc hai bên dòng suối, Có những con thành công trong việc nhảy qua ngành đá có dòng nước chảy xiết với thân bị trầy trụa, có con bị tróc hết lớp da đen để lộ phần thịt bên trong trắng hồng. Với thân thể bầm dập như vậy, nhưng dường như chúng rất vui và thoả mãn là đã về tới nguồn nơi chúng đã được sanh ra trước kia. Cho dù du khách là ai, là một người với tâm hồn yếu đuối hay cứng rắn, cũng không ai có thể cầm được xúc động bồi hồi thương cho loài vật nhỏ bé mà có ý chí kiên trì cố gắng phấn đấu với sức mạnh của thiên nhiên cho dù có phải chết khi đạt đến mục đích cuối cùng của loài cá Salmon.

Chúng tôi đi dọc theo con đường mòn bên bờ suối dưới chân đồi, chạy dọc theo những căn nhà gỗ của gái làng chơi thời xưa khi có những người dân tứ xứ đến đây lọc vàng. Băng qua bên kia ngọn đồi thì tới cuối nguồn suối, là nơi những con Salmon đạt đến mục đích của chúng. Nơi cuối nguồn nước rất cạn, chỉ cao chừng 2 feet. Những con Salmon sau khi đến được điểm chúng muốn thì hầu như tất cả đều kiệt sức. Tại nơi đây những con Salmon cái đẻ trứng và những con Salmon trống thì cho ra những tinh trùng phủ lên những bày trứng mà con cái mới sanh ra. Chúng ở lại canh chừng bày trứng chừng khoản vài ba ngày thì chết. Những con Salmon chết là do kiệt sức vì đã phải dùng sức để bơi ngược dòng nước và nhảy nghềnh nước, thêm vào đó là thời gian chúng từ cửa biển bơi vào sông chúng không ăn, là do những con salmon sống trong nước mặn ăn thức ăn nơi nước mặn quen rồi nên khi vào sông nước ngọt chúng không có thức ăn để ăn nên bị yếu sức.

Có đến tận nơi và nhìn thấy đàn cá Salmon về nguồn, nhìn thấy đàn cá dầy đặc dưới lòng suối. Có thể ví như bánh canh dày đặc. Nếu ai muốn bắt cá thì quá là dễ dàng, chỉ cần quơ cái thúng một lần là bắt được đầy thúng cá Salmon, con nào con nấy rất to, ước chừng 2, 3 ký lô. Nhưng không ai làm thế tại đây. Do vậy chúng tự do không sợ bị bắt nên dễ tập trung tâm vào sự bơi ngược dòng và nhảy nghềnh thác nước để về nguồn. Được biết luật ở Hoa Kỳ rất khắc khe về việc bảo tồn sự sinh sản của loài vật, những người bắt cua thì chỉ được quyền bắt những con cua đực, nếu gặp cua cái thì phải thả ra, nếu bị bắt quả tang bắt những con cua cái sẽ bị phạt rất nặng. Cũng vậy, những con cá Salmon khi bơi lội dưới dòng suối để về nguồn thì không ai được bắt chúng, nếu chúng ngoài biển khơi thì được phép bắt chúng, nhưng trên những dòng suối có đàn cá Salmon bơi ngược dòng đều có bản "No Fishing" nếu ai vi phạm mà bị bắt quả tang thì bị phạt rất nặng.

Chúng ta biết được về một chu kỳ sinh sản rồi lớn lên rồi trở về để đẻ trứng của loài cá Salmon-cá Hồi thì mới cảm nghiệm được tính năng đặc biệt của một loài vật do tạo hóa sinh ra. Chúng được sinh ra ở nước ngọt, di chuyển đến các đại dương, sau đó trở về nước ngọt để sinh sản. Sự bơi ngược dòng sông về các bãi đẻ chỉ xảy ra một lần trong đời của hầu hết loài Salmon - cá hồi. Khi đến tuổi sinh sản, cá hồi bơi hàng ngàn dặm để về vùng nước cạn mà chúng ta gọi là về nguồn để đẻ trứng. Khi về đến cửa sông, chúng tụ lại trong vùng nước lợ (nước hơi mặn) và đợi con nước lớn chúng bơi ngược lên dòng sông để về nguồn. Hành trình ngược dòng sông có thể mất vài tháng. Chúng thường phải băng mình qua những thác nước và vách dốc để đến những con suối cạn đẻ trứng. Trứng cá được nở ra sau đó thành đàn cá con, cá con ở lại từ 6 tháng cho đến ba năm trong dòng suối nơi sanh sản ra. Sau đó đàn cá con theo dòng nước bơi ra biển, chúng sinh sống khoảng từ 1đến 5 năm (tùy thuộc vào loài) trong đại dương, tại nơi này chúng trưởng thành và mang thai . Đàn cá khi trưởng thành thì bắt đầu bơi ngược dòng sông mà trước kia chúng đã bơi ra để về nguồn nước cạn đẻ trứng làm nhiệm vụ bảo tồn giống nòi. Tại Alaska, những đàn cá Salmon còn phải vượt qua những dòng suối nước chảy xiết rất mạnh và còn phải nhảy qua các nghềnh thác.

Hiểu về đời sống của loài cá Hồi (Salmon), nhìn thấy chúng rủ nhau bơi về nguồn hàng ngàn hàng vạn con, bơi ngược dòng, thì mới hiểu được bơi ngược dòng là như thế. Trước kia khi tôi đọc sách có những đoạn viết ví về việc bơi ngược dòng của những ẩn sĩ, những vị xuất gia. Và trong tôi, đôi khi cũng ví mình như đang lội ngược dòng suối khi mình từ bỏ tất cả những thú vui trong xã hội, tránh xa những tuế toái của cuộc đời để một mình lặng ngập trong Phật sự. Nhưng mà rồi, bây giờ mới cảm thấy mình không bằng một loài cá bé nhỏ nhưng ý trí lại rất mạnh. Dòng nước chảy xiết, phải nhảy ngành thác cao. Cũng không sờn. Trong tâm chúng chỉ thấy một bổn phận thiêng liêng cao qúi mà tạo hóa đã ban cho. Đó là bảo tồn nòi giống. Dù biết rằng khi về đến nguồn, khi sinh sản, khi ấp trứng xong là kiệt sức và chết. Khi nhìn thấy những con cá với ý chí quật cường tôi đã phải than lớn rằng. Biết mình sẽ chết vì kiệt sức, biết mình sẽ rơi vào những tảng đá khi phóng mình nhảy qua thác nước hụt, mà vẫn kiên trì nhảy tiếp, thì quả thật tôi xin bái phục một loài sinh vật nhỏ bé này. Và cũng bắt đầu từ ngày đó tôi không còn thích thú trong sự ăn cá Salmon nữa, nhất là Sushi.

Minh Hạnh.

Ketchikan, Alaska. Tháng 8, 2010

No comments:

Post a Comment