Sunday, January 14, 2024

Chuyện ngắn - Chú Sóc Nâu

 


Chú Sóc Nâu



by Minh Hạnh,  August 7, 2014

Tôi nhớ, vào một ngày đẹp trời của đầu mùa xuân năm ấy, tuy chúng tôi đã có một căn nhà đủ tốt để gia đình làm nơi cư trú. Nhưng  chúng tôi tháp tùng vợ chồng người bạn đến từ thành phố Monroe muốn mua nhà gần khu đại học để tiện cho các con đi học. Khi đi ngang qua căn nhà này tôi không có ý định vào xem vì thấy cây cổ thụ hơi nhiều, nhưng người môi giới (realter) năn nỉ và nói đi ngang qua thì cứ ghé vào xem, không nhất thiết xem là phải mua, cứ vào coi một chút. Tôi miễn cưỡng bằng lòng để cho ông ta vui. Nhưng thật bất ngờ, tôi choáng váng sững sờ khi nhìn thấy khuôn viên nhà trải rộng trong cảnh trí thật thơ mộng với những cây sồi cổ thụ và cây thông cao ngất trời xanh đứng sừng sững giữa thảm cỏ xanh mát điểm thêm những cây bông xứ trắng xóa, một cảnh thần tiên. 


Điểm làm tôi thích thú nhất đó là, những chú sóc nâu chơi đùa trên thảm cỏ, chúng tung tăng chạy nhảy, và thỉnh thoảng chúng đứng lại hai tay chắp trước ngực cặp mắt tinh ranh nhìn chúng tôi như chào hỏi, rất giống hình thức của các Phật tử thuần thành khi gặp nhau trong chùa thường hay chắp tay trước ngực, một hình ảnh rất thân thương.  Hình ảnh thân thiện của mấy chú sóc đã đánh động tâm tôi, và một ý nghĩ vui thoáng nẩy trong trí tôi là biết đâu trong một kiếp nào đó chúng đã từng là người Phật tử của một ngôi chùa ở một xứ rất xa rất  xa, và tôi rất vui với ý nghĩ này. Đó là lý do vợ chồng tôi đã mua căn nhà này.

Khi mua nhà xong, tôi để ý  người chủ nhà trước không hiểu sao lại không trồng cây ăn trái. Chắc  có lẽ họ chỉ thích cây xanh dị thảo hoa lá cành. Do vậy, chúng tôi bắt đầu trồng một loạt các loại cây có trái ăn như hồng, quít, lê, bưởi. Chỉ hai năm sau là khu vườn nhà tôi những cây ăn trái đã bắt đầu ra hoa. Chúng tôi hứng khởi chờ đợi ngày các trái cây chín để thưởng thức trái cây do chính tay mình trồng.

Khi cây lê, cây đào những trái bắt đầu lớn nhìn rất vui. Nhưng mà rồi, những trái lê, trái đào  trên cành từ từ biến mất, mình chưa ăn được trái nào mà sao biến mất một cách thần bí. Thế là chúng tôi bắt đầu canh chừng xem nhân vật nào, cũng lạ, ở bên Mỹ trẻ em đâu có thèm trái cây, và sự giáo dục ở trường ở cha mẹ  rất chu đáo, không bao giờ các bạn có thể bắt gặp một đứa trẻ vào vườn bạn bẻ  trộm trái cây. Và một hôm, thật bất ngờ, tôi nhìn thấy một chú sóc miệng cắn cuống một trái lê thật lớn,  chạy như bay về phía cuối vườn. Chúng tôi ngạc nhiên thích thú nhìn cảnh tượng đó. 

Và rồi, khi đào, lê bị đàn sóc ăn hết, thì đến cây hồng, những chú sóc nhảy nhót chuyền từ cành này sang cành kia trái nào hơi ửng vàng là đều bị chúng cắn cuống cho rụng xuống đất rồi chúng phóng  xuống rinh về ổ. Chỉ trong vòng một hai tuần là cây hồng cả trăm trái biến sạch. Ông xã tôi thấy vậy năm kế tiếp đi Home Depot mua lưới chim và lưới nai (deer net) . Ông  nhất quyết  bao trùm nguyên cây hồng để các chú sóc không phá phách được. Cây cao 10 thước, ông xã và người anh họ hì hục tung lưới lên cao cho chùm từ ngọn xuống tới gốc. Và yên trí các chú sóc sẽ không phá không ăn trộm hồng nữa.

Nhưng mà rồi, yên được hai ngày, đến ngày thứ ba thì thấy các trái hồng xanh nằm lác đác trên sân cỏ gần cây hồng. Chúng tôi lại thắc mắc, mình đã lưới trùm hết sao lại có trái lọt ra ngoài, ông xã tôi lại gần cây hồng thì thấy "ah! thủ phạm đây rồi", hai chú chim một robinson và một là chim sẻ đang cuống quít nhảy lung tung trong lưới,  ông xã tôi mở lưới hé ra và lùa những chú chim cho thoát ra ngoài: 

 "ôi! mừng quá, chúng tôi đã thoát ra khói lưới rồi, xin cám ơn ông chủ tốt bụng". Hai chú chim vui mừng sau mấy cái vỗ cánh thì bay vọt lên cao mất tiêu. Có lẽ do dưới gốc cây chưa túm lưới lại nên hai chú chim đã vào từ đó, do vậy ông xã tôi đã dùng giây buột túm lại, từ sau ngày đó không có con chim nào lảng vảng bên cạnh cây hồng nữa.

 Nhưng lạ kìa! sao các trái hồng xanh vẫn bị hái và bỏ nằm lăn lóc trên sân cỏ, tựa như ai đó phá cho bỏ ghét. Và rồi một hôm, chúng tôi nhìn thấy một chú sóc đang chuyền từ cành này sang cành khác rất nhanh, ngạc nhiên quá đỗi, vì lưới bao trùm từ trên ngọn cho đến gốc cây thì túm lại, nghĩa là không có một sơ hở nào để chú sóc có thể chui vào được. Ông xã tôi đứng quan sát xem chú sóc nâu đang chuyền từ cành này sang cành kia đã vào bằng đường nào. Chú sóc thấy người đến chú liền phi thân từ trên một nhánh cây hồng sang nhánh cây cổ thụ cao ngất gần đó. Như vậy, tức là có lỗ hổng tại nơi chú sóc vừa chui ra. Ông xã tôi đến gần nhìn kỹ thì ra lỗ hổng đó chính là do các chú sóc cắn lưới để chui vào. 

Thế là chúng tôi chịu thua. Hai lớp lưới chồng lên nhau thế mà vẫn bị các chú sóc cắn rách để chui vào ăn trộm hồng. Ôi! các chú trong một thời nào đó đã thọ giới để trở thành người Phật tử và trong kiếp này các chú chỉ nhớ cách chắp tay chào nhau trong phương thức của người Phật tử nhưng lại quên  giới điều thứ nhì đã thọ là "không trộm cắp, không lấy của không cho" Xin chào thua các chú!

Wednesday, March 15, 2023

Câu chuyện buồn

 Câu chuyện buồn.

Minh Hạnh, Baton Rouge ngày 15 tháng 3, 2023

Chị tốt nghiệp trường Điều Dưỡng Cơ Đốc, một bệnh viện Cơ Đốc tọa lạc tại ngã tư Phú Nhuận, chị là một người bạn mà tôi kính trọng như một người chị, nên tôi gọi là "Chị tôi". Chồng chị là bác sĩ quân y VNCH.

Tôi gặp chị trong một buổi họp mặt của một nhóm bạn thân trong thành phố vào một buổi tối cuối tuần của tháng Tư năm 1985. Có lẻ, do mãnh lực duyên quá khứ nên khi chúng tôi vừa gặp nhau đã trở nên thân thiết và chúng tôi kết nghĩa chị em, chị lớn hơn tôi 3 tuổi. Chị rất đẹp, lời nói dịu dàng như vuốt ve an ủi người đối diện.

Chị kể tôi nghe về cuộc đời của chị.

Anh chị cùng 4 người con vượt biên đến Mỹ năm 1980, khi ở Việt Nam anh đã là bác sĩ trong quân đội VNCH, do đó, thời gian đầu ở Mỹ anh phải học và training  để thi lấy bằng hành nghề bác sĩ , trong thời gian anh đi học chị đã phải bương chải làm việc vất vả để nuôi con và giúp anh ổn định trong việc học. Sau những năm thực tập thì anh tốt nghiệp và được bổ nhiệm làm việc tại nhà thương chính phủ của tiểu bang.

Và từ lần gặp mặt đầu tiên, hai gia đình chúng tôi trở lên thân thiết, chúng tôi xem nhau như chị em, thường xuyên qua lại giúp đỡ nhau những khi cần thiết. 

Đến năm 1990 chương trình tị nạn cho những tù nhân cộng sản được qua Mỹ định cư thì trong số đó có gia đình các em của chị cũng qua Mỹ, vợ chồng tôi và anh chị cùng nhau đến thăm hỏi và giúp đỡ những người mới qua, những ai bịnh anh thường giúp đỡ cố vấn và cho thuốc để chữa bệnh.

Gia đình các em của chị cũng thuộc phương diện HO, được qua Mỹ và ở trong cùng thành phố, gần nhà chị để tới lui quây quần bên nhau  rất là hạnh phúc. Vì là chị lớn trong gia đình  và, qua Mỹ trước nên cuộc sống của anh chị khá giả, do đó, anh chị luôn lo tròn trách nhiệm giúp đỡ những người em của mình qua sau có cuộc sống về tài chánh hạn hẹp.

Năm 2005 anh phát hiện bị ung thư gan, chị vô cùng lo lắng, ai chỉ thuốc gì, cây lá gì uống trị được bệnh ung thư, chị đều kiếm mua hoặc xin về sắc cho anh uống, anh cầm cự được 5 năm thì mất. Từ ngày anh mất chị lại tảo tần mở tiệm ăn  để nuôi đàn con 4 đứa học thành tài và giúp những người em đang sống trong cảnh thiếu thốn, đôi vai đã nặng trĩu gánh 4 đứa con giờ lại thêm gia đình mấy người em nên hai vai chị càng nặng hơn.

Thời gian trôi qua 10 năm sau ngày anh mất, giờ các con đã lớn và trưởng thành, 4 đứa con đã lập gia đình và ở những thành phố của các tiểu bang rất xa nơi chị ở, và chị chọn ở lại sống một mình trong căn nhà rộng thênh thang ở thành phố vì là nơi có ngôi mộ của anh được chôn cất nơi đây, chị muốn ở lại đây để tiện việc săn sóc mộ anh, cũng may tuy các con ở xa nhưng gia đình các em chị vẫn ở quây quần trong thành phố này, chị em sống mỗi người một nhà nhưng họ vẫn quấn quít bên nhau mỗi khi cần sự giúp đỡ.

Giờ chị đã khá lớn tuổi nhưng vẫn còn rất đẹp tuy tóc đã nhuộm muối tiêu, sức khỏe chị khá ổn định, ít bị ốm vặt, do vậy chị sống rất tự tin, vui vẻ và yêu đời. Chị thường theo các em đến chùa làm công quả, gần như là một người leader của nhóm làm công quả bếp núc cho chùa, một tay xốc vác tất cả mọi chuyện, việc gì có chị nhúng tay vào thì hầu như được hoàn tất rất mỹ mãn. Cuộc đời của chị bây giờ có thể nói ông trời đã đãi ngộ chị rất nhiều, tuy anh mất sớm, nhưng cuộc sống của chị giờ sống trong giàu sang sung sướng vì các con đã trưởng thành, chúng chu cấp cho chị đầy đủ, chị không lo thiếu thốn như ngày anh còn đi học và các con thì còn nhỏ.

Nhưng tạo hóa đã tạo ra, mỗi  một ngưởi, mỗi một sinh linh đều có nghiệp riêng của mình mang theo từ những kiếp quá khứ. Và theo định lý Vô Thường, có sinh thì có bệnh, có tử, có chết. Và chuyện đó đã đến với chị một cách bất ngờ, những người thân, những người quen biết chị, trong đó có vợ chồng tôi, đã vô cùng xửng sốt khi nghe tin chị chết, không một ai ngờ, có người mới nói chuyện điện thoại với chị ngày hôm trước hôm sau đã nghe tin chị chết.

Vợ chồng chúng tôi nghe tin chị chết và biết được chuyện gì đã xảy ra khi chị chết, chúng tôi bàng hoàng và tiếc cho chị mà đáng lý có thể tránh được.

Đó là, vào mùa đông có nhiều bệnh cảm cúm lây lan. Căn bệnh cúm đã dính vào người chị cùng với một người em gái. Chị thì khỏe mạnh nên bệnh của chị triệu chứng nhẹ hơn người em. Hai chị em cùng nhau đi gặp bác sĩ, nhưng chỉ một mình chị vào gặp bác sĩ để khai bệnh, còn người em thì ngồi ngoài xe chờ. Ông bác sĩ sau khi khám bệnh cho chị đã kê toa thuốc kháng sinh Tamiflu để diệt trừ bệnh cúm.

Rời phòng bác sĩ, hai chị em đến tiệm thuốc tây mua thuốc theo toa bác sĩ đã kê, rồi chị chia số thuốc kháng sinh đó làm hai, số thuốc được bác sĩ kê toa khoảng 7 viên uống trong vòng 7 ngày thì hết bệnh, chị một nửa và người em một nửa.

Về đến nhà, chị để nửa số thuốc kháng sinh đó ở bàn ăn, và không uống viên nào. Còn người em về nhà mình thì uống mấy viên thuốc chị đã đưa trong 2 ngày thì cơn bệnh giảm đi nhiều. Mọi người thân thấy chị có đi bác sĩ thì yên trí chị sẽ khỏi bệnh, nhưng thật không ai ngờ là chị không uống viên thuốc nào, nên cơn bệnh trở nặng và hai ngày sau khi  đi bác sĩ chị đã qua đời lặng lẽ  trong căn nhà  sống một  mình mà không  ai hay biết.

Chị đã quá tự tin vào sức khỏe của mình, đã trải qua nhiều lần bị cảm cúm đều qua khỏi mà không cần uống thuốc, cho nên lần này chị cũng nghĩ mình sẽ qua khỏi và không cần uống thuốc, mà để dành thuốc đó cho người em gái của chị.

Một điều làm tôi xót xa, chị là một y tá, một nữ điều dưỡng, và chồng chị đã từng là bác sĩ chữa bệnh biết bao nhiêu người mà chị lại không hiểu về thuốc men và các căn bệnh, chị đã coi thường và nghĩ rằng mình sẽ không bị cơn bệnh quật ngã, mà không cần uống thuốc.

Phải chăng, đó là cái nghiệp buộc chị phải ra đi như thế, trong khi kiến thức về chuyên môn của Tây học chị đã học và thực nghiệm khi còn làm nữ điều dưỡng sao chị lại không theo, để rồi phải ra đi bất ngờ` trong lặng lẽ  mà đối với  một người có kiến thức như chị thì khó có  thể nào xảy ra. Đó là điều làm tôi vô cùng tiếc thương cho chị, một người chị mà tôi luôn kính trọng. 

Mong rằng hương hồn chị được về  yên nghỉ bên anh!


Tuesday, January 3, 2023

Buồn vui khi làm trang web cho chùa.

                                    Buồn vui khi làm trang web cho chùa.

Minh Hạnh, Baton Rouge, ngày 3 tháng Giêng, 2023

Kỹ thuật khoa học ngày nay tiến bộ vượt trội khiến con người có nhiều thời gian rảnh rỗi, tục ngữ có câu "Nhàn cư vi bất thiện". Cho nên để tránh nhàn rỗi sanh ra bất thiện tôi đã dùng những thời gian rảnh rỗi đọc kinh sách và viết bài.

Khi tôi còn là auditer (thanh tra kế toán) cho chánh phủ với nhiệm vụ kiểm soát sổ sách các công tỳ đào dầu khí (oil & gas) của tiểu bang. Một ngày làm việc từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, nghỉ nửa giờ ăn trưa,  tính ra  8 tiếng làm việc, nhưng  mỗi ngày tôi chỉ làm khỏan 3 tới 4 tiếng là hết việc, những bạn làm chung cũng vậy, ai có việc nấy, họ cũng chỉ làm 4 tiếng là hết việc rồi họ qua phòng làm việc của  người này hoặc phòng làm việc của người kia ngồi tán gẫu với nhau, đôi khi họ cũng kéo nhau vào phòng tôi tán gẫu, nhưng riêng tôi lại không thích vì họ là dân bổn xứ phong tụng tập quán xa lạ đối với tôi, những câu chuyện của họ khó để mà thích thú,  nên tôi mang vào sở những quyển kinh sách để đọc mỗi khi có thời gian rảnh. 

Hai vợ chồng tôi đều làm việc cho chính phủ, cùng hổ trợ nhau để nuôi dạy 4 đứa con nên người. Tuy lương công chức không cao bằng làm tư nhân nhưng nhàn hạ vì không bon chen, không tranh dành  lấy lòng xếp lớn để giữ job.

Sau 30 năm làm việc tôi xin về hưu, ngoài những giờ làm công việc nhà nấu ăn, có chút thì giờ rảnh tôi nghiên cứu kinh điển, tu tập thiền định, sau đó tôi viết văn.

Tôi cũng xin được viết bài cho một trang web Phật giáo, lúc đó tôi không biết làm trang web nên còn phải lệ thuộc vào một cô Phật tử trẻ tuổi phụ trách việc làm web của ngôi chùa đó, nếu cô thích thì cô đăng bài, còn hôm nào cô ể mình thì cô bỏ không đăng bài tôi viết. Đôi khi cô còn thử tôi bằng cách yêu cầu tôi viết HTML (HTML viết tắt của Hypertext Markup Language là ngôn ngữ lập trình dùng để cấu trúc các thành phần có trong một trang web). Tôi đã trả lời rằng, tôi không biết viết vì tôi chưa có bao giờ học về các lập trình đó.

Tôi không bận tâm về chuyện cô làm khó dễ tôi,  mà vẫn cứ miệt mài viết những gì mình học được từ các vị giảng sư, vì viết đối với tôi  là một niềm đam mê,  tôi không bao giờ coi việc viết văn là một gánh nặng trong cuộc sống của mình, mà chính là, trước để tôi học hỏi, sau  để truyền tải những Giáo Pháp của Đức Phật tôi đã được nghe viết thành văn bản rồi đưa lên trang web của chùa để các Phật tử hoặc những ai muốn tìm hiều về Giáo Pháp của Đức Phật để tu tập.

Ít lâu sau cô Phật tử làm web cho chùa nghỉ không làm nữa, Thầy trụ trì giao trang web của chùa cho tôi làm. 

Thầy nói: Bây giờ cô có thể viết và đưa lên trang web thoải mái không phải lệ thuộc vào ai nữa."

Từ đó, tôi bắt đầu vừa làm vừa học hỏi cách làm trang web. Tôi và ông xã đã đầu tư tiền bạc vào rất nhiều, từ việc trả tiền hàng tháng cho máy chủ (Server là một máy chủ được kết nối với Internet,) để làm web, cho đến việc trả tiền cho người giỏi về kỹ thuật làm web mỗi khi cần viết một lập trình mới. Người này sống ở Việt Nam là một giảng viên giảng dạy cách làm web, ông ta đã giúp đỡ tôi rất nhiều. 

Chúng tôi chủ trương không kêu gọi sự đóng góp tịnh tài của bất cứ ai, mà tự mình hổ trợ lấy mình.

Tôi vui mừng vì nghĩ rằng từ đây về sau tôi được tự mình đưa bài viết vào trang web mà không bị trì trệ bởi sự thương hay ghét của người chủ biên. 

Từ đó, tâm tôi thanh thản viết bài với sự chân thành, sự kiên nhẫn và niềm tịnh tín đối với Phật Pháp. 

Chủ quan tin rằng sẽ không còn bị áp lực khi viết bài. Nhưng, tôi đã quá chủ quan. Vì khi làm trang web cho một ngôi chùa nào đó, không phải sẽ không có áp lực nào đè nặng lên tâm mình nữa. Thật ra, phía trên vẫn còn vị trụ trì, vị thầy chủ của ngôi chùa, nghĩa là, tự tôi phải có trách nhiệm với ngôi chùa đó.  Tôi không được viết bài của bất cứ vị thầy nào khác. Điều này đã làm tôi không thoải mái. Tôi luôn luôn muốn được tự do bay nhảy như con chim có thể tự bay đến bất cứ nơi nào nó muốn bằng chính đôi cánh của mình mà không cần lực đẩy hay bị cản trở do lực trì kéo của những con chim khác, hay của con người điều khiển nó. Con cá phải được tự do tung tăng bơi lội thì mới thành công được.

Do đó, suốt thời gian làm trang web cho chùa, tôi xin thưa rằng: hoàn toàn tâm tôi không được thanh thản, và luôn luôn có cảm tưởng một áp lực nào đó đang theo dõi, đang đe dọa sẽ bị người chủ chùa lấy lại trang web bất cứ lúc nào.

Nên với tâm tư không thoải mái đó dù tôi đã cố gắng hết sức mình và với sự đam mê tìm học cũng như đam mê viết lách, nhưng tôi vẫn không tìm được sự thanh thản trong lòng.

Tôi xin trích một đoạn trong câu chuyện tôi đã viết trong thời gian làm trang web Chùa, chuyện "Cây Xoài".

Ngày xưa khi Đức Bồ Tát là một vị vua. Một hôm Ngài đi ra khỏi bờ thành, trên đường Ngài nhìn thấy trên cây xoài có rất nhiều trái, gần đến độ chín. Một cây xoài tốt như vậy, tươi như vậy, ngon lành như vậy, nhưng Ngài chỉ nhìn rồi tiếp tục đi. Chiều hôm đó Ngài trở về Hoàng cung, khi đi ngang cây xoài, lúc bấy giờ Ngài nhìn thấy cây xoài đó xơ xác hết, không còn được nguyên trạng như lúc sáng. Lúc bấy giờ Ngài hiểu rằng có một nhóm người đi ngang đây nhìn thấy cây xoài và bởi vì cây xoài có trái ngon nên họ đã bẻ và phá hại cây xoài. Ý nghĩ khởi lên đầu óc của Ngài, Ngài nói rằng, “Ở đâu có danh và ở đó có lợi thì ở đó có lòng tham, ở đâu có mật ở đó có ruồi, ở đâu có lòng tham thì ở đó có phiền não, và người nào có những thứ đó giống như cây xoài có trái vậy, sẽ gặp muôn vàn bất hạnh”. Ngài trở về và quyết định trở thành đạo sĩ.

 Minh Hạnh xin viết lên câu chuyện của chính mình làm trang web, được ví như cây xoài là hình ảnh cho muôn vàn bất hạnh của những ai có những thứ giống như cây xoài xanh tươi tốt đẹp, có nhiều trái chín ngon và thơm.  

Rồi một ngày chuyện tôi lo sợ đã  đến: Khi trang web Chùa tôi làm từ một trang web nội dung không có chất lượng đã trở thành một trang web rất nhiều bài vở kinh sách với nội dung phong phú thì thầy trụ trì giao  nhiệm vụ làm web Chùa cho một vị tu sĩ ở bên Việt Nam.

 Vẫn biết rằng một ngôi chùa có thể làm một lúc 2, 3 trang web khác nhau, và câu nói: "Nước sông không phạm nước giếng" là câu nói quen thuộc trong cuộc sống thường ngày, để chỉ việc mỗi cá nhân, tổ chức cần làm đúng phận sự, không nên chen vào việc của người khác. Nhưng ở đây, rõ ràng trang web Chùa tôi đang làm bị xóa khỏi lớp dạy Phật Pháp trên paltalk, và ngay cả logo của Chùa trang web tôi làm cũng bị thay thế bằng trang web mới do vị tu sĩ bên Việt Nam làm.

Khi tôi biết được điều đó, tôi hụt hẫng, với bao tâm huyết, thời gian và tiền bạc chúng tôi đã đầu tư vào, cũng mất 20 năm không quá ngắn đối với một đời người, nhưng đối với tôi thì 20 năm đó là quá dài, những sự cố gắng, những nhiệt huyết với tất cả tâm tư, với niềm tịnh tín, và thầy đã không cảm nhận các giá trị tôi đã đóng góp. 

Thầy đã nói với tôi là vị tu sĩ này rất giỏi kỹ thuật làm trang web. Tôi vui vì thấy thầy đã kiếm được người giỏi về kỹ thuật làm web. Trong khi tôi, cho đến tận bây giờ vẫn chưa biết viết một cái lập trình nào (HTML) mà mỗi lần phải viết lập trình tôi đều phải nhờ vị giáo sư dạy làm trang web viết và tôi trả tiền cho vị giáo sư đó. 

Tôi chỉ biết dịch kinh từ tiếng Anh sang tiếng Việt, hoặc chuyển thành văn bản các bài giảng, hoặc viết văn rồi đưa bài vào trang web, và đó là tất cả niềm đam mê của tôi mà thôi. 

 Cho nên, khi biết được thầy trụ trì đã giao cho vị tu sĩ bên VN làm trang web cho chùa, tôi đã lặng lẽ rút lui khỏi trang web của thầy. 

Và tập trung làm trang web Chìa Khóa Học Phật www.chiakhoahocphat.com một trang web dịch từ web Access to Insight, của hệ phái Theravàda Buddhism là tư liệu Kinh Điển Phật Giáo Nguyên Thủy. 

Đây là trang web gồm những bài kinh từ tiếng Anh được dịch sang tiếng Việt, một trang web rất uy tín về những bài viết của Chư Tăng Thái Lan và các Chư Tăng thuộc hệ phái Theravàda, trang này sẽ giúp ích cho rất nhiều người những ai muốn tìm hiểu Phật Pháp qua giáo phái Theravàda.

Tôi đã làm cùng với sự trợ giúp của ông xã và một số bạn. Trang web Chìa Khóa Học Phật này chính là tự mình một trang web riêng, và tôi tiếp tục viết với tất cả niềm tịnh tín, niềm chân thành và sự đam mê của mình đối với Phật Pháp.

Trang Chìa Khóa Học Phật gồm:

- Rất nhiều bài viết tiếng Anh của Chư Tăng thuộc hệ phái Theravàda và hệ phái Lâm Tăng được  tôi và ông xã cùng một số bạn chuyển dịch sang tiếng Việt, trước là để tự mình học hỏi sau để giới thiệu đến các Thiện Tri Thức cùng tu tập.  

- Những bài giảng của Chư Tăng Việt Nam được chuyển biên thành văn bản.

- Trang Vườn Hoa Đạo gồm: 

Mỗi ngày một câu chuyện cười (Laughter, the best medicine) Con người từ khi mới sanh ra đã cất tiếng khóc chào đời, không hiểu rằng tiếng khóc đó là mừng vì được ra đời hay vì tủi thân đã không được giải thoát về nơi bất sinh, mà phải sinh vào cuộc đời trăm đắng ngàn cay này. Mà thật vậy trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta đã phải đương đầu với bao đau khổ, oan ức, buồn tủi, giận hờn vì những ganh tỵ, đố kỵ lẫn nhau, hoặc thương cảm vì trái ngang. Muốn sống một mình để lánh xa những phiền lụy đầy nước mắt đó nhưng nào ai làm được. Nụ cười là liều thuốc bổ, cho dù đôi khi tiếng cười cũng có thể là một tiếng khóc không tuông lệ. 

Mỗi ngày một câu chuyện thiền, đây  là những mẫu chuyện thiền của các vị thiền sư được ghi chép lại. 

Cổ Học Tinh Hoa, của Ôn Như Nguyễn Vãn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn, với 250 mẩu chuyện, đem đến cho người đọc cách nhìn cuộc sống,  cách cư xử sao cho phù hợp. 

Truyện Cổ Nước Nam, của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Tập hợp hơn 200 truyện cổ, sự tích về con người và muôn loài nước Việt đã lưu truyền trong đời sống dân gian từ xa xưa cho đến tận ngày nay.

Truyện Ngắn. Là những câu chuyện ngắn được sưu tầm trên Net, gồm những câu chuyện về nghệ thuật sống dành cho tất cả mọi người.

- Tuyển tập Minh Hạnh, ghi chép lại những kỷ niệm, những kinh nghiệm, những vui buồn trong cuộc sống mà tác giả đã trải qua.

Để trả lời câu hỏi của rất nhiều người: "Tại sao tôi không làm trang web cho Chùa nữa?"

Xin thưa rằng: 

Trước kia tôi đã sai lầm khi nghĩ rằng chỉ làm trang web cho Chùa mới được phước báu, cho nên tôi đã vui mừng khi được thầy trụ trì giao cho làm trang web và tôi đã mang một tâm tư nặng nề lo sợ bị thầy lấy lại giao cho người khác thì mình hết phước. Nhưng thật lạ, ngày thầy giao trang web cho người khác thì tâm tôi lại thật là nhẹ nhõm, một cảm tưởng như mình đã trút được gánh nặng mà từ 20 năm nay đè nặng trên bờ vai bé nhỏ của mình,  một trạng thái tâm thanh thản sảng khoái, một trạng thái tịch tịnh an lạc, không còn những sợ hãi, không còn lo lắng bị lấy mất cái mình yêu qúi nữa.

Giờ đây, tôi vẫn viết, vẫn đam mê viết, dù chỉ trong phạm vi hạn hẹp của chính mình, nhưng tôi lại như chim bay lượn tự do trên bầu trời thanh tịnh quang đãng không có gió bão, như cá bơi lội tung tăng ngoài biển khơi mênh mông.

Tôi chợt nhớ khi còn bé tôi được tham gia Gia Đình Phật Tử chùa Giác Tâm ở Phú Nhuận, và một bài hát thường được các anh chị trong gia đình Phật tử hát  trong các buổi lửa trại của gia đình Phật tử mà tôi được tham dự để kết thúc câu chuyện này.

Ta múa ta vui mình ta.  

Đây tiếng sui thét rền

rừng cây rung đùa

đùa trong nắng tàn

hoàng hôn dần tan

màn đêm dần buông

Cồn chiên lừng lên

Châu Pha rừng, 

đầy cây um tùm, 

đầy voi heo hùm,  

đầy chim hoa lá, 

đây mình rừng hoang,

 lửa bừng rừng Châu Pha, 

càng khuya càng cháy bập bùng, 

đây người viễn xứ, 

suốt đời lô nhô

 sống nhờ hai tay

đây người mang khố

vầy vui rừng sâu

... Ta múa ta vui mình ta./.


Sunday, December 18, 2022

Sự Thử Thách

 Sự Thử Thách

Minh Hạnh phóng tác 

"Thứ nhất thì tu tại gia, Thứ nhì tu chợ, Thứ ba tu chùa."

Lời truyền rằng; tu viện Linh Sơn là  ngôi chùa nằm trên một ngọn núi sâu trong rừng rậm, từ thành phố muốn tới hành hương cũng phải mất một ngày trời  vì đường đá gồ ghề. Sư trụ trì tuổi chừng 70  đã sống trong ngôi chùa từ rất lâu và rất lâu, khi sư là đứa bé vừa chập chững biết đi, biết nói bập bẹ  đã được cha mẹ đem đến gửi nhà chùa nuôi. Ngôi chùa ngoài vị Sư trụ trì còn có khoản 10 vị sư trẻ khác cũng đến chùa sống dưới sự chăm sóc của vị trụ tri từ khi còn là những đứa trẻ được cha mẹ đem đến nhờ nhà chùa nuôi dạy, tất cả ngày lẫn đêm quây quần tu tập bên nhau. 

Mùa hè ở đây,  khi những tia nắng ban mai ló rạng,  mặt trời bao trùm ngọn  núi  với những nương rau, nương khoai, đất trời như hồi sinh, khí trời lành lạnh xen tiếng chim hót líu lo tạo nên âm thanh tươi mát.

Trong khi, buổi tối thì ngược lại, rừng núi chung quanh chìm trong im lặng và u ám.  Thỉnh thoảng, một đám mây bão nổi lên và có tiếng sấm rền vang giận dữ. Bầu trời bên ngoài với những đám mây tối đen đem cơn bão vần vũ  kêu rít từng hồi. Những tàng cây quằng quại trong giông bão chúng  đập vào nhau, những tàng lá bay tơi tả theo cơn gió cấu tạo thành một bức họa sống động, một thứ gì đó rất hoang dã và phẫn nộ. Hoặc những  đêm với nhiều ngôi sao lấp lánh trên bầu trời. Và xa, rất là xa, vang lên những tiếng gầm gừ của những con hổ đói đang đi rình mồi quanh ngọn núi... đó là tất cả ở đây , một quần thể gồm một căn phòng tập thể cho mọi người sinh hoạt một bên ngọn núi  và bên kia  ngọn  núi  là ngôi chùa với Chánh Điện nằm sừng sững  tọa lạc thật xa thật xa trên con đường ra thành phố. Mỗi ngày và mỗi đêm, năm này qua năm khác tiếp diễn như vậy.

Hàng đêm tu sĩ  cầu nguyện xong và vị Sư trụ trì thuyết giảng giáo pháp. Vị Sư trụ,  Khi Sư nói về bất cứ điều gì, ngay cả những điều bình thường nhất - ví dụ như rừng núi, thú dữ  - toàn thể họ lắng nghe  mà không có một sự xúc động hay ngạc nhiên vì dường như đó là những hợp âm giống nhau. Nếu Sư  xúc động đến tức giận hoặc kiềm chế bản thân trước niềm vui mãnh liệt, hoặc bắt đầu nói về điều gì đó khủng khiếp hoặc vĩ đại, thì  khuôn mặt Sư đỏ bừng, và giọng nói như sấm, và  các nhà sư lắng nghe, họ cảm thấy rằng linh hồn của họ bị trói buộc bởi sự thuyết giảng của Sư Trụ Trì. Vào những khoảnh khắc như vậy, quyền lực của Sư Trụ Trì đối với họ là vô biên, và nếu Sư đề nghị các đệ tử của mình hãy hi sinh vì giáo pháp thì, tất cả, tất cả mọi người trong số họ, sẽ nhanh chóng thực hiện mong muốn của Sư.

Những bài kinh tụng, giọng ngân  kinh kệ của Sư Trụ Trì  tôn vinh Đức Phật, Chư Thiên, là nguồn vui liên tục cho các tu sĩ. Đôi khi, qua sự đơn điệu của cuộc sống, họ cảm thấy mệt mỏi vì cuốc đất đào mương cho những nương khoai, nương rau, hoa trái, mùa xuân, mùa thu, đôi tai của họ mệt mỏi vì âm thanh của rừng rú và tiếng hót của loài chim dường như tẻ nhạt đối với họ, nhưng tài năng của Sư trụ trì là  cần thiết đối với họ trong cuộc sống hàng ngày.

Mấy chục năm trôi qua, ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác, tất cả đều giống nhau, ngày cũng như đêm. Ngoại trừ chim chóc và thú dữ cọp beo, không có một linh hồn nào xuất hiện gần chùa. Nơi sinh sống của con người gần nhất rất xa và rất xa,  để đến được  chùa, hoặc từ  chùa đến nơi có con người sống,  là một cuộc hành trình hơn bảy mươi cây số băng qua rừng rú. Chỉ có những người chán sự sống, những người muốn  từ bỏ cuộc sống, và những người đến ngôi chùa như một nấm mồ, mới mạo hiểm băng qua rừng rú.

Nhưng mà rồi, một đêm nọ, cổng chùa tiếng chuông được gióng lên do một ai đó, đã đánh thức mọi người dạy. Đó là một người đàn ông đến từ thành phố. Người đàn ông đó đã xin một bữa ăn vì dường như ông ta đói lã rồi. 

Sư trụ trì kêu một  người xuống nhà bếp thổi cho anh ta một ít cơm, luộc một ít rau và dọn lên cùng với chén tương để mời người khách ăn. 

Khi anh ta ăn xong, Sư trụ trì  hỏi làm thế nào anh ta từ thị trấn vào rừng rậm, anh ta trả lời do đi săn cùng chúng bạn;  vì uống rượu quá nhiều nên lạc đường. Sư Trụ Trì  đề nghị  anh ta nên xuất gia vào chùa tu để giải thoát các nghiệp bất thiện mà anh đã làm trong cuộc sống của anh như đi săn là một hình thức sát sinh, anh ta đã trả lời với một nụ cười: "Tôi không phải là một người bạn đồng hành phù hợp với các người!"

Anh ta nhìn các nhà sư đang đứng quanh mình, lắc đầu và trách móc:

"Các người không làm gì cả, các người đi tu. Các người ăn uống chẳng ích lợi gì. Đó có phải là cách giải thoát con người không? Chỉ nghĩ, trong khi các người ngồi đây thanh thản, ăn uống và ước mơ phúc lộc, xóm giềng của các người  đang diệt vong và đang đi đến địa ngục. Các người nên xem những gì đang diễn ra trong thị trấn! Một số đang chết vì đói, những người khác, không biết phải làm gì với số vàng của mình, chìm trong tội lỗi và chết như ruồi mắc mật. Không có đức tin , không có lẽ thật về loài người. Nhiệm vụ của ai cứu họ? Công việc của ai là phải thuyết giảng cho họ? Việc này không phải dành cho tôi, một người say xỉn từ sáng đến tối như tôi. Một tâm hồn từ bi, một trái tim tràn đầy bi mẫn  và niềm tin vững mạnh, để các người  ngồi đây trong bốn bức tường mà không làm gì cả? "

Những lời nói say sưa của người đi săn đến từ thành phố là xấc xược và vô nghĩa, nhưng chúng có tác dụng kỳ lạ đối với Sư Trụ Trì. Sư Trụ Trì  trầm ngâm nhìn  đệ tử  của mình, rồi nói:

"Này các con, anh ta nói sự thật. Thật vậy,  chùa không phải là nơi giải sầu, Tam Bảo không là chốn xa lánh trần gian, chúng ta nói tu để giải thoát nhưng chúng ta lại quên những con người ngoài kia sống cuộc sống phù hoa, đàng điếm ,  một xã hội trụy lạc hầu như sắp diệt vong, phần lớn trong đó người ta đã  nhầm lẫn ý nghĩa của đời người, mọi lý tưởng cao xa, chỉ là sự thỏa mãn về vật chất, sự đầy đủ của xác thịt; những hành động trái với luân thường đạo lý, con người trong cuộc sống hàng ngày mà  kẻ tiểu nhân xen lẫn trong đời sống khó nhận biết.  Họ dối gạt lừa lọc nhau, điều này khiến xã hội đi vào chỗ bại hoại gây ra nhiều tội ác. những người nghèo trong sự suy nhược và thiếu hiểu biết của họ đang rãy chết trong sự vô minh, trong khi chúng ta không hề biết đến, như thể điều đó không liên quan đến chúng ta. Tại sao chúng ta  không nên đi và dạy họ về Ngũ giới là năm điều ngăn cấm mà Đức Phật đã ban ra, để ngăn ngừa những pháp bất thiện, những điều này dựa trên tâm từ bi, bình đẳng trên phương diện dứt trừ tội lỗi cá nhân và đem lại trật tự, an vui cho xã hội ?"

Và đêm đó, những lời của người thị trấn đã  khiến Sư Trụ Trì suy nghĩ miên man. Ngày hôm sau khi ban mai vừa chớm dạy, Sư Trụ Trì  tiến người khách một đêm ra về lại thành phố, Sư Trụ Trì cũng nói lời tạm biệt các đệ tử để vào thành phố hóa độ cho người dân, những người vì vô minh đang lầm lạc sa ngã trong tội lỗi nơi thị trấn. Và các tu sĩ đã bị bỏ lại mà không có sự dìu dắt của Sư Trụ Trì, và không có các bài thuyết giảng cũng như lời tụng kinh hàng đêm. Họ trải qua những  tháng ngày ảm đạm, họ chờ đợi vị Trụ Trì xuất hiện lại nơi cửa chùa, nhưng chờ mỏi mòn ngày này qua ngày khác, Sư cũng không quay lại. Cuối cùng, sau ba tháng trôi qua, tiếng gióng chuông quen thuộc của Sư Trụ Trì đã được nghe thấy. Các tu sĩ chạy như bay đến gặp Sư và đặt câu hỏi, nhưng thay vì vui mừng khi nhìn thấy các đệ tử, thì Sư Trụ Trì khóc  thảm thiết và không thốt lên lời nào. Các nhà sư nhận thấy thầy mình trông già đi rất nhiều và gầy đi; khuôn mặt mệt mỏi và mang một biểu hiện của nỗi buồn sâu sắc, và khi Sư Trụ Trì khóc, dường như mang khí chất của một người đàn ông đã bị xúc phạm.

Các tu sĩ cũng rơi nước mắt, và hỏi tại sao Sư Phụ lại khóc như vậy, và sao trông Sư Phụ buồn thảm như vậy. Nhưng Sư Trụ Trì không trả lời mà lặng lẽ đi về am thất của mình, nhốt mình trong am thất suốt ngày không ra khỏi. Trong bảy ngày, Sư ngồi trong am thất, chỉ khóc và không tụng kinh kệ, đến giờ thọ trai đệ tử gõ cửa thỉnh đến trai đường nhưng Sư im lặng không đáp trả nên họ đành để bát của Sư trước cửa am thất, có hôm bát vẫn còn đầy. Các tu sĩ đến gõ cửa van nài Sư trụ trì  ra ngoài và chia sẻ nỗi đau của mình với họ, nhưng Sư trụ trì chỉ  đáp lại bằng một sự im lặng.

Cuối cùng thì Sư Trụ Trì cũng ra khỏi am thất. Tập hợp tất cả các tu sĩ tại ngôi Chánh Điện, với khuôn mặt đau khổ xen lẫn  sự  buồn phiền và phẫn nộ, Sư  bắt đầu kể cho các đệ tử của mình  những gì đã xảy ra với Sư  trong ba tháng ở thị trấn.

 Giọng Sư trầm buồn và dường như đôi mắt của Sư  rạng lên  khi nói đến cuộc hành trình của mình trên con đường mòn từ chùa đến thị trấn. Con đường gập ghềnh giữa những đá và rễ cây rất khó bước đi, tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách, và những hy vọng ngọt ngào kích động tâm hồn Sư, thỉnh thoảng đâu đó tiếng hú của những con vượn khiến mấy  con chim đang hót líu lo trên ngọn cây sợ hãi vỗ cánh bay vụi lên hư không. Mặt trời soi rọi xuyên qua những cây rừng rực rỡ những tia nắng ban mai. Sư băng qua rừng, lội qua suối, rồi Sư thấy trước mặt mình  là một cánh đồng rộng được bao phủ bởi những ngọn lúa chín vàng ươm. Ở xa thật là xa nơi ở của con người không thể nhìn thấy ở phía cuối đường chân trời; và dường như con đường mà Sư đi sẽ  dẫn đến khu vực bí ẩn, mà Sư chưa hề  khám phá ở phía tây, nơi mặt trời đã lặn — nơi vẫn còn, rộng lớn và bí ẩn đối với Sư, nơi đó có ánh sáng tỏa ra muôn màu rực rỡ. Sư tự tin vào niềm tin mạnh mẽ của mình đối với Tam Bảo sẽ mang đến cho Sư một sự chiến thắng trong chuyến đi này.

Nhưng giọng nói của Sư bắt đầu run lên, mắt Sư bắn ra sự  phẫn nộ khi nói về thị trấn và về những người đàn ông trong đó. Chưa bao giờ trong đời Sư nhìn thấy hoặc thậm chí không dám nhớ lại những gì Sư đã  gặp khi đi vào thị trấn. Chỉ khi đó, lần đầu tiên trong đời, ở tuổi già, Sư mới thấy và hiểu được sức mạnh cám d của ma quỷ như thế nào, và đàn ông yếu đuối và vô giá trị như thế nào. Do một tình cờ không may, ngôi nhà đầu tiên Sư bước vào lại là nơi ăn chơi của những người đàn ông. Đó không phải một nơi ăn chơi xoành xĩnh, mà là một tòa nhà bề thế, nhìn bề ngoài người ta nghĩ  rằng chủ nhân nó là người lương thiện giàu có . Nhất là bầu không khí yên lặng càng làm tăng vẻ nghiêm trang”.

Khoảng năm mươi người đàn ông giàu có đang ăn và uống rượu cùng với các cô gái trẻ ăn mặc lả lơi ôm những người đàn ông giởn hớt, những  ảnh  mỹ nhân khỏa thân Tây phương treo la liệt trên tường.  Say sưa bên những ly  rượu, họ hát họ nhảy những bài hát  quyến rũ và nói những lời nói thô tục , mà những người xuất gia  không thể phát âm được; họ tự do, tự tin và hạnh phúc vô biên, họ không  sợ ma quỷ, hay cái chết, họ nói và làm những gì họ thích, và đi theo  dục vọng của họ dẫn dắt. Những thứ rượu đắt tiền trong veo như hổ phách, lấp lánh ánh vàng, hẳn là ngọt và thơm không thể cưỡng lại, những món ăn khai vị đáng kinh ngạc được mang đến từ nước ngoài, tất cả bọn họ đều say sưa hạnh phúc thưởng thức thú lạc của trần gian. 

Giọng nói của vị Sư già  càng lúc càng run lên vì  tức giận và Sư khóc  vì phẫn nộ, Sư tiếp tục mô tả những gì ông đã thấy. Ông nói, trên một chiếc bàn giữa những người vui chơi, có một người phụ nữ bán khỏa thân tội lỗi với những tiếng kêu rú khoái lạc. Thật khó để tưởng tượng hoặc tìm thấy trong tự nhiên bất cứ điều gì đáng yêu và hấp dẫn hơn. Người phụ nữ này còn rất trẻ,  da ngăm đen, với đôi mắt đen và đôi môi đầy đặn, không biết xấu hổ và xấc xược, lộ ra hàm răng trắng như tuyết và mỉm cười như muốn nói: "Hãy nhìn cho kỹ, tôi đẹp làm sao." Chiếc áo đầm quấn trên người cô ta đã  rơi thành những nếp gấp đáng yêu từ vai nàng,  vẻ đẹp của nàng sẽ không ẩn mình dưới lớp áo, mà háo hức tung mình qua những nếp gấp, như đám cỏ non xuyên qua mặt đất vào mùa xuân. Người phụ nữ không biết xấu hổ đã uống rượu, hát những bài hát và để mặc cho bất cứ ai muốn cô ấy.

Sau khi mô tả tất cả sức hấp dẫn của ma quỷ, vẻ đẹp của cái ác, và sự quyến rũ hấp dẫn của hình dạng phụ nữ đáng sợ, vị Sư già nguyền rủa ma quỷ, rồi quay lại am thất và nhốt mình trong đó. . . .

Khi vị Sư già ra khỏi am thất của mình vào  sáng hôm sau,   không có một tu sĩ nào còn lại trong chùa; tất cả các tu sĩ đã chạy trốn đến thị trấn. Ngoại trừ trong Chánh Điện, trên bục cao tôn tượng Đức Phật đôi mắt Ngài toả ra sự từ bi như thương xót vị Sư già đang gục mặt nơi chánh điện./.


Friday, December 9, 2022

Nợ Anh Lời Xin Lỗi.

 Nợ Anh Lời Xin Lỗi.

Minh Hạnh, Baton Rouge, ngày 9 tháng 12, 2022

Chuyện xảy ra cách đây rất lâu nhưng tôi vẫn còn  giữ mãi trong tâm cho đến tận ngày nay. Tôi còn nhớ  năm 1964  khi đang học lớp đệ ngũ trường Lê Bảo Tịnh, đường Trương Minh Giảng, Sàigòn. Năm đó chiến tranh đang lan tràn các nơi đầu vĩ tuyến. Tôi với tuổi đời  mới chừng 15 nên chưa biết yêu đương hẹn hò gì. Nhưng tôi lại rất thích viết văn, thích làm thơ và viết truyện, lúc đó tôi đã tập viết truyện ngắn những câu chuyện trẻ thơ. Do vậy khi  ban giám đốc của trường kêu gọi học sinh của trường tham gia chương trình "lá thư em gái hậu phương gửi các anh ngoài tiền tuyến", tôi cũng được tham gia.

Những tưởng viết thư để mà viết cho vui, ai dè những lời lẽ của cô bé 15 tuổi thích mộng mơ đã làm say đắm anh chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Mới nhận được lá thư đầu, mà lại thật hi hữu trúng ngay người anh của một cô  học cùng lớp, anh Trung Sĩ Nguyễn Thành Nam thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến  đóng quân tại Quảng Trị, nhân dịp được phép về nhà nên đã nhờ cô em gái đưa đến trường xin phép được gặp mặt em gái hậu phương.

Tôi và cô bạn học cùng lớp không thân chỉ biết nhau mà thôi, tôi  ngồi bàn đầu lớp  còn cô ngồi bàn cuối lớp nên không có dịp nói chuyện với nhau.

Sau khi nghe cô bạn nói anh của cô nhận được thư của tôi gửi khi đóng quân ở Quảng Trị, được về phép đã đến gặp tôi. Tôi bối rối khi gặp anh, khi viết thư thì lời lẽ trôi chảy lưu loát nhưng khi đối diện với anh, tôi chợt đơ người, ngượng ngùng không biết nói gì.

Sau lần đầu tiên gặp gỡ đó, tôi với cái tuổi "Ăn chưa no, lo chưa tới" tuổi vô tư, không biết suy nghĩ hay lo lắng gì. Tiếp tục vô tư viết thư cho anh khi anh ra ngoài tiền tuyến mà không nghĩ tới chuyện gì sẽ đến cho ngày mai. 

Cho đến năm lên lớp đệ tứ, một lần về phép  anh đón tôi tan trường và nói sẽ xin phép ba mẹ  để hỏi cưới tôi. 

"Mèn ơi", tôi muốn té xỉu, khi nghe đến hai chữ hỏi cưới về làm vợ anh, chúng tôi chưa một lần đi chơi riêng hay hẹn hò dạo phố với nhau, ngoại trừ chỉ thư từ qua lại mà thôi .  Năm đó tôi đang học thi ráo riết cho xong bằng trung học, có viết thư  chỉ để vui mà thôi, chứ "ăn còn chưa biết no, mà lo thì lo chưa tới" thì nghĩ gì đến chuyện yêu đương, mà tôi đâu có yêu anh để  về làm vợ anh, nên tôi từ chối không cho anh đến nhà gặp ba mẹ tôi, và sau đó tôi cũng ngưng không trả lời thư anh vì bận học thi trung học. Và không hiểu tại sao em gái anh cũng không đến lớp học nữa.  Từ đó chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc của nhau.

Đó là một buổi chiều tháng Tư cuối năm lớp đệ tứ. Sau giờ tan học tôi về nhà. Vừa bước vào nhà thì thấy mẹ tôi đang tiếp một anh quân nhân, nhìn thoáng qua tôi tưởng là anh, tôi bối rối chào. Mẹ tôi nói:

- Con à, con có quen người nào tên Nam, trung sĩ TQLC không?  anh này là bạn của người trung sĩ tên Nam.

Người quân nhân này thấy tôi bối rối chắc là không nhớ câu chuyện "lá thư em gái hậu phương gửi các anh ngoài tiền tuyến".

Anh nói: " Chào cô, tôi và trung sĩ Nam là bạn đồng đội rất thân với nhau. Trung sĩ Nam thường kể về cô về những bức thư của em gái hậu phương cho tôi nghe. Hiện giờ trung sĩ bị thương rất nặng đang nằm tại bệnh viện Cộng Hòa. Anh nói với tôi muốn được gặp cô một lần. Tôi xin đưa cô đến bệnh viện thăm anh ấy.

Tôi ngơ ngác và không biết suy nghĩ gì nữa, một phút sau tôi lắc đầu và nói: "Tôi không đi." 

Rồi tôi bỏ vô phòng đóng cửa lại, để mặc anh quân nhân cho mẹ tôi tiếp. Một lúc sau dường như anh chàng quân nhân về rồi, mẹ tôi gõ cửa gọi tôi ra hỏi chuyện. Lúc đó tôi mới kể câu chuyện trong lớp tôi có tham gia chương trình viết thư cho các chiến sĩ ngoài tiền tuyến và anh trung sĩ Nam đã nhận được thư tôi rồi quen nhau, nhưng không phải người yêu của nhau, bây giờ anh bị thương tôi đâu thể đi thăm được, mà thăm với danh nghĩa gì để thăm.  Mẹ tôi đồng ý không đi thăm là đúng, bởi vì không là gì của nhau thì không nên đi thăm.

Chừng một tháng sau đó, anh quân nhân bạn anh lại đến nhà, nhưng lần này không gặp tôi vì tôi chưa đi học về, anh quân nhân đó nhờ mẹ tôi đưa lại cho tôi một xấp thư mà tôi đã viết và cho biết là xấp thư được tìm thấy trong balo của trung sĩ Nam và nghĩ rằng đó là của tôi nên anh nhờ mẹ tôi giao lại cho tôi. Anh còn nói rằng:

Anh Nam yêu tôi tha thiết và muốn kết hôn với tôi nhưng bị tôi từ chối nên anh thất tình, khi ra trận anh luôn xung phong đi đầu, dường như anh rất đau khổ và  anh đã bị thương nằm tại bệnh viện Cộng Hòa, anh muốn gặp tôi nhưng tôi không đến thì vài ngày sau anh ra đi mãi mãi.

Khi học về tôi nghe mẹ kể mà lòng ray rứt. Trong vô minh, chẳng thể biết được rằng mải mê chạy theo những vui thích của mình và thêm sự ngây thơ của tuổi 15, tuổi dại khờ chỉ biết vui mà không nghĩ tới sự vô tình của mình đã gây tổn thương đến những người khác. 

Vẫn biết, nhân sinh như mộng,  anh ra đi, để lại trong tôi một niềm hối hận ray rứt, vẫn biết chuyện tình cảm không phải lỗi do tôi hay lỗi do anh, nhưng vì tuổi quá nhỏ, còn dại khờ chưa biết yêu mà viết thư chỉ do sự thích viết,  những tưởng lời an ủi của em gái hậu phương giúp các anh nơi tiền tuyến ấm lòng mà vững tâm chiến đấu giữ cho hậu phương được yên bình, đâu ngờ lại gây ra sự tổn thương cho anh.

Mượn lời  câu chuyện tôi kể đây, như một lời xin lỗi đến anh, người tôi đã vô tình gây tổn thương./.


Monday, November 21, 2022

Câu chuyện về Vô Thường, Khổ Đau và Vô Ngã

 Câu chuyện về Vô Thường, Khổ Đau và Vô Ngã

Minh Hạnh

Buổi tối sau khi uống trà, bà Hai đến sofa ngồi đọc sách. Trong phòng đứa cháu nội, Ashley vừa được 4 tuổi đang ngồi chơi con búp bê của nó dưới sàn nhà. Em trai nó, bé  Aiden vừa được 2 tháng tuổi nằm trên tấm chăn mỏng gần đó. 

Ashley chợt thấy con nhện con đang bò gần tấm chăn em trai đang nằm, nó  gọi mẹ.

- Mama, con thấy có một con baby nhện  đang bò gần em Aiden, nó đang đi kiếm mẹ nó.

Người con dâu đang đứng kế bếp, vội chạy lại:

- Đâu, con nhện đâu?

Ashley chỉ con nhện và nói:

- Nó là baby, nó đi kiếm mẹ nhện của nó, Mama đừng giết nó, để nó đi kiếm mẹ nó. Hôm qua mama đã giết mẹ nhện của nó rồi, hôm nay đừng giết nó.

Nhưng người con dâu đã nhanh tay cầm chiếc dép đập  xuống sàn nhà nơi có con nhện con đang bò.

Đứa bé khóc oà lên:

- Tại sao mama lại giết con baby nhện, nó đang đi kiếm mẹ nhện của nó mà? Hôm qua Mama đã giết nhện mẹ rồi, sao hôm nay lại giết con baby nhện ???

Người con dâu lúng túng không biết làm sao để giải thích, đành ôm đứa con nhỏ dỗ dành.

- Mama xin lỗi, mama xin lỗi, mama sẽ không  giết nhện nữa.

Ashley nín khóc nhưng đôi mắt còn ngập đầy nước mắt.

Bà Hai đưa mắt nhìn đứa cháu nội, lòng xúc động vì lời nói của đứa cháu 4 tuổi, dù nhỏ nhưng đã có sự suy nghĩ và tánh bản thiện vốn có tự nhiên của một đứa trẻ. 

Bà  nghĩ: "Nhân chi sơ tánh bản thiện" là đây.

Đặt cuốn sách xuống, bà đi ra ngoài vườn. Trời chớm vào xuân vẫn còn se lạnh,  tiếng côn trùng rền rã như đang tấu lên một  bản hòa âm của tạo hóa,  bà nhận ra sự hòa hợp và thánh thiện của chúng, điều mà người bình thường không thể hiểu được, nhưng tâm bà có một cảm giác an lạc tuyệt vời. Khu vườn trồng  nhiều cây ăn trái , cùng với những cây hoa hồng, xen kẽ hoa hải đường, hoa lạc đà, hoa đỗ quyên, một loạt các loài hoa đủ mọi sắc màu.  Mùa xuân chỉ mới bắt đầu nhưng những bông hoa  đã đủ nở rộ trong buổi hoàng hôn, nhất là sau cơn mưa khi những giọt nước mưa còn sót lại lấp lánh trên những bông hoa, thật là quyến rủ.

Chợt một ý tưởng khởi lên trong tâm bà, nếu mai này bà chết,  điều gì sẽ xảy ra với trang web  "Vườn Hoa Phật Pháp" của bà? Với những bài bà viết, những bài dịch, những câu chuyện tâm linh này sẽ như thế nào. Bà yêu trang web hơn cả yêu bản thân bà. Bà làm việc từ sáng đến tối,  làm tất cả mọi việc với tâm trí và đôi tay của  mình  trên bàn phím máy vi tính. 

 Bà luôn luôn lo lắng rằng điều gì đó sẽ xảy ra với trang web của mình. Bây giờ giả sử bà chết vào ngày mai, ai sẽ thay thế bà làm tất cả những điều này? Ai sẽ làm công việc này? Hay là nó sẽ đi vào hư vô vì định luật của tam tướng cuộc đời là: Vô Thường, bất toại nguyện và Vô Ngã !!!

Vợ chồng bà bồng bế hai con nhỏ chạy trốn khỏi cuộc tấn công tàn khốc của cộng sản vào Sàigòn, định cư tại nơi đất khách quê người, với những khó khăn vì khác biệt ngôn ngữ, tập quán, cha mẹ, anh chị em phân tán, ra đi bỏ lại nhà cửa, tiền bạc. Vợ chồng bà cố ngoi lên bằng ý chí trở lại học đường, bắt đầu lại từ đầu với bao sự thiếu thốn, cơm nước gạo tiền.

 Giữa lúc đang cố gắng trong sự hi vọng nhỏ bé. Có lẽ là do Chư Thiên dẫn dắt mà  vợ chồng bà gặp được vợ chồng giáo sư người Cuba, cả hai là giáo sư giảng dậy tại viện đại học, họ cũng đã từng là người di tản ra khỏi đất nước xứ sở của họ để lánh nạn cộng sản. Nên họ có sự thông cảm với hoàn cảnh gia đình bà, và họ đã tận tình giúp đỡ hai vợ chồng bà.  Nhờ vào sự giúp đỡ của vợ chồng người Cuba hướng dẫn cách thi vào đại học và còn tài trợ tiền học phí cho hai ông bà. Ông bà đã học được những đức tính cao qúi của vợ chồng người giáo sư này là sự từ bi và lòng quảng đại, và sự xả thí.  Nhìn vào tấm gương đó bà đã nguyện với lòng mình là phải trả ơn cho sự giúp đỡ của họ bằng cách giúp đỡ lại những người khốn khó khác mà bà gặp trên con đường đời bà đi qua. Đức Phật đã dạy rằng ở trên đời có hai hạng người khó tìm đó là: Người thi ân, và người tri ân đáp ân.

 Rồi thời gian trôi qua, hai vợ chồng bà kiếm được việc làm tốt sau khi tốt nghiệp đại học. Các con thì khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho chúng xong. Giờ đây đã trên 47 năm sống trên đất khách quê người, ông bà đã nhận nơi đây là quê hương mình. 

Cuộc sống ông bà giờ đã ổn định, không còn phải lo toan tiền bạc con cái nữa, vì những đứa con đều đã lập gia đình và có công việc làm ăn khá giả. Bà tìm vui trong kinh sách, ông thì chăm lo vườn tượt. 

Từ rất lâu bà ôm ấp ước mơ viết lách những gì suy nghĩ, những gì học được từ chung quanh. Ngay cả khi bà mới được 4 hay 5 tuổi, thuở chưa biết đọc, chưa biết viết, bà thường hay ngồi nơi bàn học của anh mình, với một tờ giấy học trò và cây viết chì, bà viết  nguệch ngoạc, ai hỏi bà đang làm gì, thì bà trả lời là đang viết truyện, mặc dù chưa biết đọc chữ cũng như viết chữ. Có lẽ đó là nghiệp dư mà bà đã mang theo từ kiếp trước sang kiếp này. Vào năm học tiểu học bà đã bắt đầu viết những câu chuyện ngô nghê về những đứa bạn học, viết xong một bài, bà vò tờ giấy bỏ vào thùng rác chứ không đưa ai đọc vì biết là câu chuyện mình viết rất ngô nghê. Khi lên trung học vì bận rộn bài vở trong lớp nên thỉnh thoảng  bà mới viết.

Và giờ đây, cuộc sống đã ổn định, bà đã bắt tay vào việc tạo nên một trang web "Vườn hoa Phật Giáo". Bà bắt đầu tìm hiểu về Phật Pháp và tạo nên một trang web với những bài viết, bài dịch thuật về Phật Pháp với tất cả tấm lòng biết ơn về sự giúp đỡ của Chư Thiên đã dẫn dắt đưa bà đến con đường tìm hiểu Phật Pháp.

Ðể tránh sự phiền não từ của cuộc sống bên ngoài xã hộ, bà không giao tiếp với bất cứ ai, ngày ngày bà làm việc miệt mài viết lách và nghiên cứu Phật  Pháp suốt 20 năm trời, bỏ hết những tuế toái phiền lụy của thế gian. Giờ đây bà cảm thấy mãn nguyện vì đã có thành tích đáng kể khi nhìn vào trang web mình đã làm.  

 Đây là cách bà biểu lộ niềm tin vào Phật Pháp. Niềm tin chánh pháp là đức tính tốt của tâm hồn. Nó là đức tính bẩm sinh, mà bà có thể đánh giá từ trường hợp của chính mình, từ những người bà đã gặp trong đời, từ tất cả những gì bà thấy xung quanh mình, đức tin bẩm sinh này vốn có ở tất cả người Phật tử Việt Nam ở một mức độ đáng tán thán.

 Cuộc sống của người Phật tử Việt Nam thể hiện như một chuỗi liên tục của niềm tin. Việc một người Việt Nam mà không tin vào Đức Phật đó chỉ là một cách nói rằng người đó tin vào một điều gì đó khác, cho những ai không tin hoặc phủ nhận niềm tin vào Phật Pháp.

Ở tuổi già, hầu như ai cũng thường nhớ tới thời tuổi thanh xuân của mình với bao ước muốn giá mình được sống lại thời thơ ấu đó. Bà Hai cũng có sự hoài niệm về thời quá khứ của mình. Điều mà bà mong muốn sao cho cuộc sống trong đời này được an nhiên tự tại, luôn được thanh thản trước mọi sự vô thường thay đổi  của cuộc đời, nội tâm được an trú trong những việc thiện để làm tư lương cho cuộc sống kiếp sau.

Thời gian vô thường, cuộc sống bận rộn với những công việc tất bật hàng ngày, công ăn việc làm, những  trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, khi nhìn  lại mình thì thấy mình đã già, thời gian như tên bay, mới thấy đời người thật ngắn ngủi để rồi thảng thốt khi  bà thấy được sự vô thường ở ngay thân bà. Và bà hiểu ra một điều, được sống thanh thản hưởng chọn niềm yêu thương là điều vô cùng quý giá. 

Bà nhớ câu chuyện đã xảy ra cách đây 50 năm, nhà bà là đại lý bán gạo, cửa hàng nằm ngay đầu ngõ nên buôn bán người ra vào tấp nập. 

Một hôm khi mở cửa hàng, bên hàng cây cổ thụ đối diện với cửa nhà bà một cái chòi vừa được dựng lên ngay dưới gốc cây. Nói là cái chòi, chứ thực ra là một cái mền nhà binh cũ được buộc vào thân cây và một người đàn ông khoảng độ 60 tuổi, ăn mặc rách rưới nằm ngủ ngay đó. Nghe tiếng cửa mở ông ta ngồi dậy gật đầu chào, bà gật đầu chào lại, và thắc mắc ông ta là ai lại dựng lều đối diện cửa nhà mình, nhưng rồi bà đi vào nhà để tiếp tục dọn hàng  bán và  không để ý gì đến người ăn xin đó nữa.

Khoảng giờ ăn trưa, con trai lớn của bà Hai lúc đó vừa tròn 4 tuổi  nó nói với bà:

- "Mẹ, con muốn cơm."

 Bà nghĩ tới giờ cơm rồi con đói bụng nên xuống bếp múc một tô cơm, chan nước thịt kho trộn đều vào tô cơm  rồi gắp 2 miếng thịt kho lớn và nửa quả trứng vịt kho để vào trong tô cơm, rồi  để trên bàn cho con ngồi đó ăn để bà ra bán hàng vì lúc đó có một người vào mua gạo.

Bà Hai loay hoay với khách mua gạo không để ý đến đứa con đang ngồi ăn cơm, đến khi cửa hàng vắng khách bà quay lại bàn ăn thì không thấy thằng bé đâu, bà gọi tên nó nhưng không nghe tiếng trả lời, bà vội chạy ra cửa thì thằng bé đang đứng nhìn người ăn xin, trong khi người ăn xin cầm tô cơm của nó ăn một cách ngon lành. Bà đứng lặng nhìn cảnh tượng mà trong lòng xúc động. Thì ra,  con xin cơm cho người ăn xin. Hèn chi nó nói mà thiếu chữ "ăn".

- "Mẹ, con muốn cơm",  chứ nó không nói là: "Mẹ, con muốn ăn cơm."

 Từ đó, mỗi ngày bà đều cho ông ta một tô cơm vào buổi ăn trưa và buổi ăn chiều. Người ăn xin ở đó luôn tưởng chừng như là nhà ông ta, không biết gia đình ông ở xứ nào mà lưu lạc đến trước cửa nhà bà Hai, tứ cố vô thân. Mỗi khi trời đêm mưa gió, ông nằm co ro trong lều, bà Hai lại loay hoay đi kiếm mền cũ đem ra cho ông.

Người ăn xin đó có cặp mắt u buồn,  có điều  gì đó u uần đau khổ  tỏa ra từ cặp mắt ông.  Đôi mắt ông như muốn nói lên một điều gì đó rất là đau buồn đã xảy ra trong đời của ông. Ngày qua ngày, rồi một năm sau đó, một buổi sáng  bà Hai mở cửa, người ăn xin vẫn nằm đó, không ngồi dậy chào bà như mọi khi, nhưng bà không để ý mà đi vào bên trong để chuẩn bị bán hàng. Một lúc sau bà đi ra cửa vẫn thấy người ăn xin nằm trong lều, bà đến gần lều và gọi, ông ta không trả lời, bà cúi xuống lay ông ta thì người ông đã cứng đờ. Bà hoảng hốt kêu ông Hai báo với cảnh sát là có người chết. Sau đó cảnh sát đến và mang ông lão ăn xin đi,. Một cuốn sách rớt lại nơi ông ta nằm.

Bà Hai mang vào nhà, đó là cuốn sách học trò đã cũ và nhầu nát, một cuốn nhật ký của ông đã viết rất nhiều về những gì xảy ra trong cuộc đời của ông . Bà mở ra đọc, thì biết được câu chuyện đau thương đã xảy ra với người ăn xin này. 

Quê ông ở một làng gần Trảng Bàng,  ông là ông giáo làng dạy học những đứa trẻ trong làng, Vợ ông cũng là cô giáo trong làng, hai người quen nhau vì cùng dạy  tại ngôi trường trong làng và rồi nên duyên vợ chồng, hai vợ chồng ông có một đứa con đi lính Cộng Hòa. Rồi một hôm đứa con trai về thăm nhà thì đêm đó cộng sản pháo kích vào làng trúng nơi giường  con ông. Vợ ông nằm ngủ ở cái giường gần đó cũng bị sức èp của trái pháo bị thương nặng sau đó cũng qua đời, ông thoát nạn là vì lúc đó ông đã thức dậy đi ra sau vườn vệ sinh nên ông không bị gì . Sau khi an táng vợ con xong, không còn bà con thân thích gì ở làng quê đó, ông lên Sàigòn và gốc cây trước cửa nhà bà Hai là nơi đầu tiên ông tá túc.

Đó là câu chuyện về sự Vô Thường, sự Đau Khổ và sự Vô Ngã của một đời người ngắn ngủi, bà đã mang nó theo trong tâm trong suốt bao năm tháng. Nó là bài học cho bà và nó cũng là tấm gương cho bà soi để làm hành trình trong cuộc sống của bà./.


Saturday, November 5, 2022

Niềm Tin !!!

                                                                            Niềm Tin !!!

Tác giả xin viết câu chuyện hư cấu "Niềm Tin" dựa theo câu chuyện của một tác giả người Tây Tạng và, cũng có thể nói một số người Việt Nam rằng: Niềm Tin mà không hiểu Phật Pháp, không có vị minh sư hướng dẫn Chánh Pháp thì dễ đi vào con đường hiểu sai lạc.

Minh Hạnh


Quần thể tu viện vài năm trước chỉ là một dãy nhà cũ nát lộn xộn, sau đó mọi thứ bắt đầu được sửa chữa tu bổ lại. Bây giờ tu viện tự hào là một ngôi đền rực rỡ, có một hội trường để Phật tử sinh hoạt, và một chánh điện chính nằm giữ ngôi chùa cao vút. 

Dường như các nhà sư của tu viện đang cạnh tranh để xem ai có thể dựng lên tòa nhà lớn nhất. Quả thực, đạo sư Bon, ông tự nhận mình là vị Lama tái sinh, mọi người ở đây gọi ông là Lama Bon, ông sống trong một tòa nhà lớn và cao hơn tất cả những tòa nhà khác. Ở tuổi năm mươi, người dân địa phương nhận xét rằng đôi tai to và dày của ông cho thấy ông là một chú gấu trúc, và tin rằng hóa thân trước đây của ông là một ẩn sĩ nổi tiếng, người đã hiển thị sức mạnh siêu nhiên, tuyệt vời.

Hầu hết người dân địa phương đều chân thành tin tưởng vào Lama Bon, ông thường nói:

"Cuộc sống trên đời này không bao giờ là bình yên." 

Điều này có vẻ đúng, bởi vì ông đã nghe nói rằng có một nhà sư ở tu viện khác đã tuyên bố chính ông ta mới là hiện thân của hóa thân trước đó của  Lama Bon. 

Lama Bon đã lo lắng về điều này cho đến khi "kẻ mạo danh" mình chết, từ đó Lama Bon mới có một cuộc sống ít căng thẳng hơn.

Một bộ lạc lớn gồm những Phật tử hết sức tận tụy sống gần tu viện cả mùa xuân nếu có đủ cỏ cho gia súc của họ. Các thành viên bộ lạc này bao gồm bà  ske và con gái của bà là cô Klu, người thường xuyên mang sữa chua và cơm đến cúng dường cho Lama Bon với hy vọng do phước báu cúng dường này mà họ có cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn.

Trên dòng sông với nhiều mỏm đá nhấp nhô chảy gần tu viện vào mùa xuân,  dòng nước và băng đá nhấp nhô này giống như một con rắn khi nhìn từ trên đỉnh núi. Mỗi buổi sáng, khi những con chim cúc cu nhảy từ cành cây này sang đến cành cây kia như chào đón mùa xuân đến. 

Cô bé Klu đứng dậy và nói, "Mẹ ơi, con bị bệnh đau răng."

Mẹ cô trả lời, "Chà, không thể để nó trở nên nặng hơn. Con đã không phàn nàn về nó với mẹ ngày hôm qua. Con hãy đi gặp cô shis người hàng xóm của chúng ta, và bán len mà cha con đã thu thập ngày hôm qua từ bầy cừu của mình cho cô Shis. "

"Vâng, thưa mẹ," Klu trả lời, và ra ngoài đợi.

Khoảng một giờ sau, người hàng xóm đến, cô bé Klu nhìn chằm chằm vào chiếc áo len của người hàng xóm đang mặc và nói trong sự thán phục. 

"Chị ơi, áo len của chị đẹp làm sao! Nó được làm bằng vật liệu gì? "

Người phụ nữ hãnh diện, giơ tay lên, chỉ vào len chất đống như một ngọn đồi trên một chiếc xe tải phía sau cô ấy, và nói, "Ở đằng kia. Nó được làm bằng len đó. "

Klu nhìn chiếc áo len sạch sẽ, đầy màu sắc và hấp dẫn rồi cô nhìn lại đống len của cô bán bị trộn với bụi. Nhìn vào một lần nữa, cô ấy nói một cách nghi ngờ, "Uh ... Chị nói nói đùa sao. "

 Người phụ nữ đã đưa cho cô 200 ngàn để mua len của Klu. Sau đó trên đường Klu về nhà để gặp mẹ, cô nghĩ mẹ cô sau khi đếm tiền "Mẹ sẽ đưa một trăm ngàn để cúng dường cho chùa , đó là sự đóng góp cúng dường cho Lama Bon tái sinh của chúng ta, người đã đến thăm từng gia đình trong tháng này. Nhưng tôi chắc rằng mẹ sẽ vẫn mượn một trăm ngàn để dâng cúng đến Lama Bon. "

Khi cô ấy đang đi bộ về nhà, hình ảnh của chiếc len xinh đẹp đó hiện lên liên tục trong tâm trí cô.

Khi đến nơi, mẹ cô đã lấy 200 ngàn mà không hỏi gì về việc bán len, bà chỉ hỏi, "Răng của con thế nào?"

“Nó vẫn còn đau mẹ ơi,” Klu nói.

Mẹ cô ấy lấy ra một bức ảnh của Lama Bon, để nghiêng tấm ảnh dựa vào  một hòn đá nhỏ và nói: 

"Con sẽ khỏi bệnh đau răng sau khi lễ lạy bức ảnh này một trăm lần. Sau khi hoàn thành 100 lạy, con đem sữa chua và cơm đến cúng dường cho Lama và hỏi Ngài về cơn đau răng của con. Sau đó mẹ và cha sẽ mời một số nhà sư đến nhà tụng kinh cầu nguyện cho con."

Cô Klu mệt mỏi sau khi vội vàng hoàn thành 100 cái lễ lạy của mình,

Klu nghỉ ngơi một lúc, cởi bỏ chiếc áo choàng cũ bằng da cừu, và khoát lên người một chiếc áo choàng mỏng màu nâu, và bắt đầu đi theo con đường ngoằn ngoèo dẫn đến Tu viện. Ánh nắng mặt trời chiếu xuống những ngọn núi dưới một bầu trời trong xanh không một gợn mây. Cô cảm thấy khỏe hơn.

Lama Bon vừa bước xuống từ giường khi Klu bước vào buồng của mình. Sau khi lễ lạy ba lần, cô đã nói với ông tất cả chi tiết về cơn đau răng của cô. Cô Klu mười bảy tuổi và không đẹp lắm. Tuy nhiên, bộ ngực đẫy đà, đôi mắt to và đôi môi mịn màng đã khiến cô hấp dẫn. Lama Bon nhìn chằm chằm vào bộ ngực của cô và nghĩ, "Nó đã quá hấp dẫn, ta phải  tham gia vào bí hiểm này, "và sau đó ra lệnh cho Klu tiếp cận ông. Khi chuẩn bị khám đau răng của cô ấy, ông đã áp mặt vào má cô và nói: "Mở miệng ra."

Klu há miệng và nhắm mắt ...

***

Sau một bát cereal và một lát bánh mì nướng cho bữa sáng, Lama Bon vẫn cảm thấy hơi đói và bắt đầu ăn sữa chua Klu đã mang lại. Trong khi ăn, ông cầm một tờ báo và đọc.

Nắng buổi sáng tươi mát hắt qua cửa sổ chiếu lên bàn ăn trong phòng nơi Lama đang ngồi trên ghế. Tiếng gõ lớn đột ngột ở cửa ông nhìn lên thì thấy hai nhà sư bước vào, họ nhìn nhau giận dữ với khuôn mặt đỏ sẫm, và đồng thời nói: 

"Đại sư! Xử giùm tôi vụ này..."

Lama Bon lên tiếng: "Chờ đã! Chờ đã! Tôi không biết ai đúng nếu cả hai cùng nói một lúc."

Ông chỉ vào nhà sư bên phải và nói:,

"Sư nói trước đi."

Nhà sư chỉnh lại chiếc áo cà-sa trên vai và nói: 

"Thưa Ngài, tối qua sư Tshul đến nhà tôi. Tôi đã cho anh ấy bơ trà trong chén trà bằng bạc của tôi. Anh ấy nói, 'Nó đẹp quá,' và ngắm nghía nó mãi. Trên thực tế, tôi không muốn bán nó với giá thậm chí dù có người muốn 2.000 đồng. Chúng tôi đã nói chuyện rất lâu. Một lúc sau đó, tôi phải đi ngoài và đi tiểu. Khi tôi trở lại thì sư Tshul đã đi mất. Và tôi phát hiện ra rằng cốc trà của tôi đã biến mất, khi tôi thức dậy sáng nay và muốn uống một bát trà. Tôi đã tìm kiếm nó khắp nơi trong nhà tôi, nhưng tôi không tìm thấy nó. Bạn biết đấy, một tu sĩ như tôi, tôi nên tìm nó trong phòng của tôi, nhưng tôi đã tìm không thấy. Chỉ có Tshul đã đến phòng của tôi ngày hôm qua. Khi tôi lịch sự hỏi anh ấy về việc chén trà bằng bạc bị mất. Thật bất công. Ngài nên xử giùm tôi, thưa Ngài! Chỉ nghĩ rằng! Làm sao tôi, một nhà sư mặc áo cà sa lại có thể nói dối được? "

Lama nhìn vị sư kia, ra hiệu rằng đã đến lượt ông ta nói.

Nhà sư kia phát ra một tiếng ho ngắn và bắt đầu:  "Tôi đã đến phòng của Bkra uống trà và khen ngợi chén trà của anh ấy. Tất cả đều đúng. Nhưng mà, Không đúng là tôi đã lấy chén trà của anh ấy khi tôi rời đi. Làm thế nào tôi có thể làm một cái gì đó như một nhà sư mặc áo cà sa? như thể anh ta nghĩ rằng tôi lấy trộm chén trà của anh ấy. Đây là lý do tại sao chúng tôi đang ở đây. Xin vui lòng xử cho đúng!"

Lama Bon đứng và nói, “Chuyện này đã xảy ra giữa hai người. Đối với tôi điều đó thật dễ dàng! "

Hai nhà sư ngạc nhiên nhìn vào mặt Lama Bon khi ông nói: "Trong thực tế, đây là một câu hỏi rất dễ, nhưng chúng ta không biết phải đưa ra hình phạt nào cho tên trộm. Tôi có cách làm cho hai bạn một cách tốt để xác định kẻ trộm. " 

Một vị sư nói:  "Tshul đã đánh cắp chén trà của tôi."

Tshul đáp lại, "Tôi nguyện trước Tam Bảo rằng tôi đã không ăn cắp nó."

Bây giờ buộc phải chứng minh khả năng pháp thuật của mình, Lama Bon đứng dậy, đóng cửa, kéo rèm cửa sổ lại, và lấy một vật thể được bọc trong vải màu vàng từ bàn làm việc của mình. Đó là một tôn tượng điêu khắc kích thước chừng ba mươi lăm milimét.

Quên đi hiềm khích, hai nhà sư nhìn nhau trong sự nghi ngờ.

Lama Bon nói, "Đây là một vị Phật có thật. Hai người phải làm một tuyên thệ và để tôn tượng này lên đỉnh đầu của mình. Kẻ nào nói dối sẽ rời khỏi thế giới này trong ba ngày. Hãy hiểu điều này nếu bạn vẫn muốn sống."

Ông đã giải quyết nhiều vấn đề khác nhau bằng cách sử dụng thủ tục này. Lama chắc chắn tin tưởng vào tượng Phật này và tin chắc rằng mình có thể nhanh chóng giải quyết vụ này.

Sư Bkra  đặt tượng Phật trên đỉnh đầu mà không do dự và thề, "Tôi chắc chắn sẽ chết trong ba ngày và sau đó được tái sinh ở Địa ngục nếu tôi thực sự lấy trộm chén trà của Tshul. "

Tshul thề, "Tôi phải xuống Địa ngục trong ba ngày nếu Bkra không ăn cắp chén trà của tôi. "

Lama Bon nói, "Sau ba ngày, người vô tội sẽ vẫn sống trên thế giới này và tội nhân sẽ ở Địa ngục. "

Sau đó, cả hai rời đi, nghi ngờ rằng có chăng những phương pháp như vậy đã được sử dụng để xác định bên có tội?.

Ba ngày trôi qua và hai nhà sư trở lại gặp Lama Bon, ông đã rất ngạc nhiên. Ông nghĩ ngợi lung tung. Khả năng phù phép của ông đã chứng tỏ đã bốc hơi rồi. Ông nói trong vô vọng,:

 "Một cái chén trà không có giá trị gì cả. Về nhà đi."

"Hừ!" Hai nhà sư thốt lên thất vọng và ra về.

Đột nhiên Lama Bon nhớ rằng Stobs đã mời ông đến tụng kinh cho đám tang của cha của Stobs. Ông đặt bát sữa chua xuống và nhanh chóng đi ra ngoài để đến nhà của Stobs, ông mang theo chuông mõ.

Stobs là con người trung thực và gia đình anh ta là người giàu nhất trong làng quê. Stobs thường bị cha nói "Con không trung thực, con là một kẻ ngốc bị người ta lợi dụng," cha ông ta thường nói: 

"Giúp đỡ người khác rất tốn kém! Đừng lãng phí tiền bạc!"

Tuy nhiên, Stobs đã giúp đỡ người khác nếu anh ta có thể, và đã bỏ qua lệnh của cha mình.

Khi Lama Bon đến nơi, Stobs nói:

"Thưa đại sư, con rất tiếc vì con là một đứa con bất hiếu và không thể phụng sự cha mình. Hôm nay con đã vững tâm vì có Ngài đến để tụng kinh cho Cha. Xin hãy phù hộ cho linh hồn của Cha để được tái sinh trong thế giới này hoặc ở Tây Phương Cực Lạc. "

"Đừng lo lắng. Ta có một cách để đảm bảo rằng cha của con sẽ được tái sinh trong thế giới này. Con sẽ gặp lại ông ấy, "Lama 'Bon quả quyết và bắt đầu tụng, nhưng không ai nghe được ông tụng kinh gì, chỉ thấy Lama Bon thì thào rất nhỏ trong miệng. Dường như ông sợ người ta biết ông không hề biết kinh kệ là gì.

 ****

Trên đường trở về nhà, Klu nhận ra điều gì đó đã xảy ra khi cô nhìn thấy nhiều người tụ tập tại nhà của Stobs. Cô sớm nhận ra rằng đó là một đám tang. Một lúc sau, má cô đỏ như táo khi cô bắt gặp ánh mắt của Lama Bon. Cô  vội vàng  bỏ về nhà trong sự bối rối. Người dân địa phương bận tâm đến đám tang và phớt lờ cô. Về đến nhà, mẹ cô đã chuẩn bị bữa tối. Bà skyid nói:

 "Con gái, răng của con có ổn không? Ân nhân của chúng ta, Lama Bon, nói gì? "

"Ồ! Răng của con không còn đau nữa," cô ấy trả lời.

"Ông ấy đã nói gì về nó?" Bà skyid nhấn mạnh.

"Ồ ... ông ấy không nói gì cả. Ông ấy chỉ ngó vào miệng con,"

Klu thì thầm, sợ tiết lộ những gì đã thực sự xảy ra. Sau đó, cô không muốn mang sữa chua và cơm cho Lama Bon nữa, nhưng mẹ cô tức giận nhấn mạnh: 

"Con gái, đây là vinh dự của chúng ta. Nếu chúng ta làm điều này cho một Lama trong cuộc sống này, chúng ta nên vui mừng. Chúng ta sẽ bị trừng phạt bởi các vị thần nếu con tiếp tục có thái độ sai trái, ngu ngốc như vậy."

****

Thời gian trôi qua nhanh, một mùa thu đã tới. Các đỉnh núi màu xanh như thảm cỏ trải dài từ trên chảy xuống thung lũng. Cỏ và lá vàng bay vu vơ trong gió khi những người chăn gia súc địa phương lái xe gia súc của họ về trại.

"Thịt cừu dành cho các nhà sư vào mùa thu, sữa chua dành cho các cô dâu ở mùa thu ", một câu nói địa phương. Thật vậy, các nhà sư đã đợi thịt cừu và sữa. 

Một số nhà sư nở một nụ cười thật tươi và chào đón những người họ nhìn thấy đến với một túi nặng dọc theo con đường đến tu viện. Hầu hết du khách đều hỏi: 

"La ma Bon có sống ở đây không?" 

Khi câu trả lời là không, họ tiếp tục bước đi.

Đạo sư Bon rất thích những món quà được cúng dường từ những người Phật tử của mình. 

Nhưng đôi khi không phải ông đều hài lòng với mọi việc xảy ra. Đó là vào một buổi sáng đẹp trời, Lama nhận thấy Klu đã mang thai. Khó có thể tin vào mắt mình, ông hỏi:

- "Có phải cô có thai không?"

Klu cúi đầu, khuôn mặt của cô dường như được chiếu sáng bởi những cục than sáng rực từ đống lửa.

- "Ai là cha của con cô?" Đạo sư Bon hỏi tiếp.

Đôi mắt sáng của cô nhìn ông một cách ai oán. Cô giữ im lặng.

- "Cô có nói với ai  khác về điều này không?" Lama Bon hỏi tiếp.

- “Không ai cả,” Klu  khẽ thốt lên.

- "Tốt. Hãy giữ bí mật của chúng ta trong trái tim con mãi mãi. Ta sẽ tạo ra một số phận tốt đẹp cho đứa bé." Lama Bon hứa.

- "Chính phủ nghiêm ngặt về giới hạn sinh đẻ và gia đình tôi nghèo. Mẹ thường hỏi tôi về bố của đứa bé. Mẹ tôi muốn cha đứa bé sống trong nhà của chúng tôi. Nếu ông từ chối, chúng tôi sẽ giao đứa bé cho ông sau khi nó được sinh ra, ” Klu nói, nước mắt chảy dài trên má.

Lama Bon, bàn tay trái nhẹ nhàng lần chuỗi hạt, và nói:

- "Về nhà. Nói mẹ của con đến gặp ta."

Khuôn mặt Lama Bon cau có. Những nếp nhăn trên trán hằn lên, nhưng một lúc sau một ý tưởng nảy ra với ông và đôi mắt của ông sáng lên vẻ mãn nguyện. Ông lẩm bẩm: 

- "Đúng vậy." Ông đã nhớ lại rằng Stobs đã nhờ ông xác định danh tính của cha mình tái sinh sau khi chết.

****

- "Con không cần phải lạy. Đừng làm vậy," Lama Bon nói với bà Skyid, mẹ của Klu, khi bà đang chuẩn bị qùy xuống lễ lạy ông.

-  "Con tính làm gì với con gái của con?" Ông hỏi.

- "Thưa đại sư, con hy vọng nhận được sự hướng dẫn từ ngài, Lord lama," bà Skyid khẩn nài.

Lama Bon trả lời :

- "Thật là may mắn khi đứa bé là hóa thân của một người giàu có. Gia đình sẽ xác định vị trí và xác định đứa trẻ, người sẽ giúp gia đình con nuôi đứa bé trưởng thành. Đừng hỏi con của con về cha của đứa bé là ai. Cô ấy có thể tự tử hoặc làm điều gì đó hấp tấp nếu con gây áp lực cho cô ấy. Cô ấy còn trẻ và rất rụt rè. Con sẽ làm gì nếu cô ấy thực sự tự tử? Sau đó, có vẻ như con đã lấy hai mạng sống - cô gái và đứa trẻ chưa chào đời của cô ấy. "

- "Thưa  đại sư, thật đúng là như vậy. Con sẽ làm gì nếu con mất con gái này? " bà Skyid thở dài, và nhanh chóng qùy xuống lễ ba lạy đến Lama Bon.

Lama gợi ý, "Chuyện này sẽ tốt hơn nếu con đừng nói với người khác. "

••• 

Mùa xuân đến như mọi khi và đó là ngày giỗ Cha của Stobs. Stobs đến thăm tu viện và tặng một 100 cho mỗi nhà sư và đóng góp 1.000 cho Lama Bon.

Trong khi lễ lạy Lama Bon, Stobs  nói: "Người Cha thân yêu của con đã đi đến một thế giới khác. Đã một năm trôi qua. Cha thường xuất hiện trong giấc mơ của con. Linh hồn của cha con đã được tái sinh ở đâu? "

Lama Bon nhắm mắt và im lặng như ông đang ở trong trạng thái nhập định, tay thì nhẹ nhàng lần chuỗi hạt, và một lúc sau ông mở mắt ra và phán rằng:

- "Thật vậy! Ta đã hứa với con rằng cha của con sẽ tái sinh trong làng của chúng ta khi còn là một cậu bé. "

Phản ứng duy nhất của Stobs là há to miệng để tỏ vẻ mừng rỡ. Lần thứ  hai Stobs chắp tay lên ngực của mình như một dấu hiệu của sự lòng sùng kính Lama Bon người đang lần chuỗi hạt.

 Lama Bon nói, "Cha của con được tái sinh ở Mkon gia đình của Skyid. Tên của đứa trẻ là Chos. "

Hai năm sau, Stobs đưa gia đình của bà Skyid đến tu viện để đi nhiễu quanh nơi thờ phượng. Khi Lama Bon thấy đứa bé giờ đã hai tuổi, Chos đang nhìn vào một bức tranh trên tường của phòng họp, ông đến gần và nói một cách niềm nở,:

-  "Cậu bé ngoan, ta sẽ cho cậu nhiều kẹo nếu con  nói với chú Stobs  rằng chuỗi hạt quanh cổ anh ấy là của con. Nếu con không làm điều này, con là một cậu bé hư và ta sẽ không cho con gì cả. "

Háo hức muốn lấy kẹo, đứa trẻ Chos đến gần chú Stobs và nói:

- , "Bạn đang đeo chuỗi hạt cầu nguyện của ta!"

Stobs thốt lên:

-  "Ôi Tam Bảo! Chos  là linh hồn của cha tôi, phải không? Anh ta chắc chắn nhận ra chuỗi hạt của mình ". 

Stobs lấy chuỗi hạt vòng quanh cổ mình và trao cho chú bé Chos, rồi ôm lấy cậu bé một cách nồng nhiệt.

Bà Skyid, mẹ của cô Klu, miệng há hốc, đôi mắt tròn xoe, bà qùi xuống lạy ba lạy Lama Bon, và nói:

-  "Đại sư đã tuyệt vời, Ngài đã thấy và biết được tất cả, con đội ơn Ngài."

Không ngạc nhiên khi nhìn sự việc xảy ra, Klu tin rằng mỗi Lama đều có cách riêng của mình để cứu tội nhân ra khỏi bóng tối, nhưng những người phàm trần thường thì không thể làm được./.