Monday, November 21, 2022

Câu chuyện về Vô Thường, Khổ Đau và Vô Ngã

 Câu chuyện về Vô Thường, Khổ Đau và Vô Ngã

Minh Hạnh

Buổi tối sau khi uống trà, bà Hai đến sofa ngồi đọc sách. Trong phòng đứa cháu nội, Ashley vừa được 4 tuổi đang ngồi chơi con búp bê của nó dưới sàn nhà. Em trai nó, bé  Aiden vừa được 2 tháng tuổi nằm trên tấm chăn mỏng gần đó. 

Ashley chợt thấy con nhện con đang bò gần tấm chăn em trai đang nằm, nó  gọi mẹ.

- Mama, con thấy có một con baby nhện  đang bò gần em Aiden, nó đang đi kiếm mẹ nó.

Người con dâu đang đứng kế bếp, vội chạy lại:

- Đâu, con nhện đâu?

Ashley chỉ con nhện và nói:

- Nó là baby, nó đi kiếm mẹ nhện của nó, Mama đừng giết nó, để nó đi kiếm mẹ nó. Hôm qua mama đã giết mẹ nhện của nó rồi, hôm nay đừng giết nó.

Nhưng người con dâu đã nhanh tay cầm chiếc dép đập  xuống sàn nhà nơi có con nhện con đang bò.

Đứa bé khóc oà lên:

- Tại sao mama lại giết con baby nhện, nó đang đi kiếm mẹ nhện của nó mà? Hôm qua Mama đã giết nhện mẹ rồi, sao hôm nay lại giết con baby nhện ???

Người con dâu lúng túng không biết làm sao để giải thích, đành ôm đứa con nhỏ dỗ dành.

- Mama xin lỗi, mama xin lỗi, mama sẽ không  giết nhện nữa.

Ashley nín khóc nhưng đôi mắt còn ngập đầy nước mắt.

Bà Hai đưa mắt nhìn đứa cháu nội, lòng xúc động vì lời nói của đứa cháu 4 tuổi, dù nhỏ nhưng đã có sự suy nghĩ và tánh bản thiện vốn có tự nhiên của một đứa trẻ. 

Bà  nghĩ: "Nhân chi sơ tánh bản thiện" là đây.

Đặt cuốn sách xuống, bà đi ra ngoài vườn. Trời chớm vào xuân vẫn còn se lạnh,  tiếng côn trùng rền rã như đang tấu lên một  bản hòa âm của tạo hóa,  bà nhận ra sự hòa hợp và thánh thiện của chúng, điều mà người bình thường không thể hiểu được, nhưng tâm bà có một cảm giác an lạc tuyệt vời. Khu vườn trồng  nhiều cây ăn trái , cùng với những cây hoa hồng, xen kẽ hoa hải đường, hoa lạc đà, hoa đỗ quyên, một loạt các loài hoa đủ mọi sắc màu.  Mùa xuân chỉ mới bắt đầu nhưng những bông hoa  đã đủ nở rộ trong buổi hoàng hôn, nhất là sau cơn mưa khi những giọt nước mưa còn sót lại lấp lánh trên những bông hoa, thật là quyến rủ.

Chợt một ý tưởng khởi lên trong tâm bà, nếu mai này bà chết,  điều gì sẽ xảy ra với trang web  "Vườn Hoa Phật Pháp" của bà? Với những bài bà viết, những bài dịch, những câu chuyện tâm linh này sẽ như thế nào. Bà yêu trang web hơn cả yêu bản thân bà. Bà làm việc từ sáng đến tối,  làm tất cả mọi việc với tâm trí và đôi tay của  mình  trên bàn phím máy vi tính. 

 Bà luôn luôn lo lắng rằng điều gì đó sẽ xảy ra với trang web của mình. Bây giờ giả sử bà chết vào ngày mai, ai sẽ thay thế bà làm tất cả những điều này? Ai sẽ làm công việc này? Hay là nó sẽ đi vào hư vô vì định luật của tam tướng cuộc đời là: Vô Thường, bất toại nguyện và Vô Ngã !!!

Vợ chồng bà bồng bế hai con nhỏ chạy trốn khỏi cuộc tấn công tàn khốc của cộng sản vào Sàigòn, định cư tại nơi đất khách quê người, với những khó khăn vì khác biệt ngôn ngữ, tập quán, cha mẹ, anh chị em phân tán, ra đi bỏ lại nhà cửa, tiền bạc. Vợ chồng bà cố ngoi lên bằng ý chí trở lại học đường, bắt đầu lại từ đầu với bao sự thiếu thốn, cơm nước gạo tiền.

 Giữa lúc đang cố gắng trong sự hi vọng nhỏ bé. Có lẽ là do Chư Thiên dẫn dắt mà  vợ chồng bà gặp được vợ chồng giáo sư người Cuba, cả hai là giáo sư giảng dậy tại viện đại học, họ cũng đã từng là người di tản ra khỏi đất nước xứ sở của họ để lánh nạn cộng sản. Nên họ có sự thông cảm với hoàn cảnh gia đình bà, và họ đã tận tình giúp đỡ hai vợ chồng bà.  Nhờ vào sự giúp đỡ của vợ chồng người Cuba hướng dẫn cách thi vào đại học và còn tài trợ tiền học phí cho hai ông bà. Ông bà đã học được những đức tính cao qúi của vợ chồng người giáo sư này là sự từ bi và lòng quảng đại, và sự xả thí.  Nhìn vào tấm gương đó bà đã nguyện với lòng mình là phải trả ơn cho sự giúp đỡ của họ bằng cách giúp đỡ lại những người khốn khó khác mà bà gặp trên con đường đời bà đi qua. Đức Phật đã dạy rằng ở trên đời có hai hạng người khó tìm đó là: Người thi ân, và người tri ân đáp ân.

 Rồi thời gian trôi qua, hai vợ chồng bà kiếm được việc làm tốt sau khi tốt nghiệp đại học. Các con thì khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho chúng xong. Giờ đây đã trên 47 năm sống trên đất khách quê người, ông bà đã nhận nơi đây là quê hương mình. 

Cuộc sống ông bà giờ đã ổn định, không còn phải lo toan tiền bạc con cái nữa, vì những đứa con đều đã lập gia đình và có công việc làm ăn khá giả. Bà tìm vui trong kinh sách, ông thì chăm lo vườn tượt. 

Từ rất lâu bà ôm ấp ước mơ viết lách những gì suy nghĩ, những gì học được từ chung quanh. Ngay cả khi bà mới được 4 hay 5 tuổi, thuở chưa biết đọc, chưa biết viết, bà thường hay ngồi nơi bàn học của anh mình, với một tờ giấy học trò và cây viết chì, bà viết  nguệch ngoạc, ai hỏi bà đang làm gì, thì bà trả lời là đang viết truyện, mặc dù chưa biết đọc chữ cũng như viết chữ. Có lẽ đó là nghiệp dư mà bà đã mang theo từ kiếp trước sang kiếp này. Vào năm học tiểu học bà đã bắt đầu viết những câu chuyện ngô nghê về những đứa bạn học, viết xong một bài, bà vò tờ giấy bỏ vào thùng rác chứ không đưa ai đọc vì biết là câu chuyện mình viết rất ngô nghê. Khi lên trung học vì bận rộn bài vở trong lớp nên thỉnh thoảng  bà mới viết.

Và giờ đây, cuộc sống đã ổn định, bà đã bắt tay vào việc tạo nên một trang web "Vườn hoa Phật Giáo". Bà bắt đầu tìm hiểu về Phật Pháp và tạo nên một trang web với những bài viết, bài dịch thuật về Phật Pháp với tất cả tấm lòng biết ơn về sự giúp đỡ của Chư Thiên đã dẫn dắt đưa bà đến con đường tìm hiểu Phật Pháp.

Ðể tránh sự phiền não từ của cuộc sống bên ngoài xã hộ, bà không giao tiếp với bất cứ ai, ngày ngày bà làm việc miệt mài viết lách và nghiên cứu Phật  Pháp suốt 20 năm trời, bỏ hết những tuế toái phiền lụy của thế gian. Giờ đây bà cảm thấy mãn nguyện vì đã có thành tích đáng kể khi nhìn vào trang web mình đã làm.  

 Đây là cách bà biểu lộ niềm tin vào Phật Pháp. Niềm tin chánh pháp là đức tính tốt của tâm hồn. Nó là đức tính bẩm sinh, mà bà có thể đánh giá từ trường hợp của chính mình, từ những người bà đã gặp trong đời, từ tất cả những gì bà thấy xung quanh mình, đức tin bẩm sinh này vốn có ở tất cả người Phật tử Việt Nam ở một mức độ đáng tán thán.

 Cuộc sống của người Phật tử Việt Nam thể hiện như một chuỗi liên tục của niềm tin. Việc một người Việt Nam mà không tin vào Đức Phật đó chỉ là một cách nói rằng người đó tin vào một điều gì đó khác, cho những ai không tin hoặc phủ nhận niềm tin vào Phật Pháp.

Ở tuổi già, hầu như ai cũng thường nhớ tới thời tuổi thanh xuân của mình với bao ước muốn giá mình được sống lại thời thơ ấu đó. Bà Hai cũng có sự hoài niệm về thời quá khứ của mình. Điều mà bà mong muốn sao cho cuộc sống trong đời này được an nhiên tự tại, luôn được thanh thản trước mọi sự vô thường thay đổi  của cuộc đời, nội tâm được an trú trong những việc thiện để làm tư lương cho cuộc sống kiếp sau.

Thời gian vô thường, cuộc sống bận rộn với những công việc tất bật hàng ngày, công ăn việc làm, những  trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, khi nhìn  lại mình thì thấy mình đã già, thời gian như tên bay, mới thấy đời người thật ngắn ngủi để rồi thảng thốt khi  bà thấy được sự vô thường ở ngay thân bà. Và bà hiểu ra một điều, được sống thanh thản hưởng chọn niềm yêu thương là điều vô cùng quý giá. 

Bà nhớ câu chuyện đã xảy ra cách đây 50 năm, nhà bà là đại lý bán gạo, cửa hàng nằm ngay đầu ngõ nên buôn bán người ra vào tấp nập. 

Một hôm khi mở cửa hàng, bên hàng cây cổ thụ đối diện với cửa nhà bà một cái chòi vừa được dựng lên ngay dưới gốc cây. Nói là cái chòi, chứ thực ra là một cái mền nhà binh cũ được buộc vào thân cây và một người đàn ông khoảng độ 60 tuổi, ăn mặc rách rưới nằm ngủ ngay đó. Nghe tiếng cửa mở ông ta ngồi dậy gật đầu chào, bà gật đầu chào lại, và thắc mắc ông ta là ai lại dựng lều đối diện cửa nhà mình, nhưng rồi bà đi vào nhà để tiếp tục dọn hàng  bán và  không để ý gì đến người ăn xin đó nữa.

Khoảng giờ ăn trưa, con trai lớn của bà Hai lúc đó vừa tròn 4 tuổi  nó nói với bà:

- "Mẹ, con muốn cơm."

 Bà nghĩ tới giờ cơm rồi con đói bụng nên xuống bếp múc một tô cơm, chan nước thịt kho trộn đều vào tô cơm  rồi gắp 2 miếng thịt kho lớn và nửa quả trứng vịt kho để vào trong tô cơm, rồi  để trên bàn cho con ngồi đó ăn để bà ra bán hàng vì lúc đó có một người vào mua gạo.

Bà Hai loay hoay với khách mua gạo không để ý đến đứa con đang ngồi ăn cơm, đến khi cửa hàng vắng khách bà quay lại bàn ăn thì không thấy thằng bé đâu, bà gọi tên nó nhưng không nghe tiếng trả lời, bà vội chạy ra cửa thì thằng bé đang đứng nhìn người ăn xin, trong khi người ăn xin cầm tô cơm của nó ăn một cách ngon lành. Bà đứng lặng nhìn cảnh tượng mà trong lòng xúc động. Thì ra,  con xin cơm cho người ăn xin. Hèn chi nó nói mà thiếu chữ "ăn".

- "Mẹ, con muốn cơm",  chứ nó không nói là: "Mẹ, con muốn ăn cơm."

 Từ đó, mỗi ngày bà đều cho ông ta một tô cơm vào buổi ăn trưa và buổi ăn chiều. Người ăn xin ở đó luôn tưởng chừng như là nhà ông ta, không biết gia đình ông ở xứ nào mà lưu lạc đến trước cửa nhà bà Hai, tứ cố vô thân. Mỗi khi trời đêm mưa gió, ông nằm co ro trong lều, bà Hai lại loay hoay đi kiếm mền cũ đem ra cho ông.

Người ăn xin đó có cặp mắt u buồn,  có điều  gì đó u uần đau khổ  tỏa ra từ cặp mắt ông.  Đôi mắt ông như muốn nói lên một điều gì đó rất là đau buồn đã xảy ra trong đời của ông. Ngày qua ngày, rồi một năm sau đó, một buổi sáng  bà Hai mở cửa, người ăn xin vẫn nằm đó, không ngồi dậy chào bà như mọi khi, nhưng bà không để ý mà đi vào bên trong để chuẩn bị bán hàng. Một lúc sau bà đi ra cửa vẫn thấy người ăn xin nằm trong lều, bà đến gần lều và gọi, ông ta không trả lời, bà cúi xuống lay ông ta thì người ông đã cứng đờ. Bà hoảng hốt kêu ông Hai báo với cảnh sát là có người chết. Sau đó cảnh sát đến và mang ông lão ăn xin đi,. Một cuốn sách rớt lại nơi ông ta nằm.

Bà Hai mang vào nhà, đó là cuốn sách học trò đã cũ và nhầu nát, một cuốn nhật ký của ông đã viết rất nhiều về những gì xảy ra trong cuộc đời của ông . Bà mở ra đọc, thì biết được câu chuyện đau thương đã xảy ra với người ăn xin này. 

Quê ông ở một làng gần Trảng Bàng,  ông là ông giáo làng dạy học những đứa trẻ trong làng, Vợ ông cũng là cô giáo trong làng, hai người quen nhau vì cùng dạy  tại ngôi trường trong làng và rồi nên duyên vợ chồng, hai vợ chồng ông có một đứa con đi lính Cộng Hòa. Rồi một hôm đứa con trai về thăm nhà thì đêm đó cộng sản pháo kích vào làng trúng nơi giường  con ông. Vợ ông nằm ngủ ở cái giường gần đó cũng bị sức èp của trái pháo bị thương nặng sau đó cũng qua đời, ông thoát nạn là vì lúc đó ông đã thức dậy đi ra sau vườn vệ sinh nên ông không bị gì . Sau khi an táng vợ con xong, không còn bà con thân thích gì ở làng quê đó, ông lên Sàigòn và gốc cây trước cửa nhà bà Hai là nơi đầu tiên ông tá túc.

Đó là câu chuyện về sự Vô Thường, sự Đau Khổ và sự Vô Ngã của một đời người ngắn ngủi, bà đã mang nó theo trong tâm trong suốt bao năm tháng. Nó là bài học cho bà và nó cũng là tấm gương cho bà soi để làm hành trình trong cuộc sống của bà./.


No comments:

Post a Comment